Ukraine không có phương án dự phòng nếu bị cắt giảm viện trợ
Dự báo trong năm 2024, ngân sách Ukraine sẽ thâm hụt kỷ lục 43,5 tỷ USD và chính quyền nước này có kế hoạch trang trải phần lớn khoản thâm hụt đó bằng sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình Rada TV ngày 6/1, lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) Andrey Pyshny nhấn mạnh nước này sẽ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ tài chính quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, quan chức NBU đánh giá năm 2023 vừa qua là chưa từng có và vô cùng khó khăn, đồng thời đề nghị sử dụng nguồn tài chính phát thải trong ngân sách để củng cố sự ổn định tài chính vĩ mô.
Dự báo trong năm 2024, ngân sách Ukraine sẽ thâm hụt kỷ lục 43,5 tỷ USD và chính quyền nước này có kế hoạch trang trải phần lớn khoản thâm hụt đó bằng sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang trì hoãn vấn đề hỗ trợ Ukraine. Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2023, EU đã không thể thống nhất chương trình hỗ trợ tài chính cho Kiev với số tiền 50 tỷ euro (54,8 tỷ USD) trong 4 năm.
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết Kiev không có bất kỳ phương án dự phòng nào trong trường hợp các đồng minh phương Tây cắt giảm viện trợ.
Cùng ngày, nghị sỹ Ukraine, ông Alexey Goncharenko cho biết trong năm 2023 vừa qua, mức thâm hụt ngân sách của Bộ Quốc phòng nước này đã lên tới 36%, tương đương với khoảng 11,3 tỷ USD. Số liệu trên được công bố tại cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraine.
Nghị sỹ Goncharenko cũng cho rằng Ukraine không có cơ hội đứng vững trong cuộc xung đột với Nga nếu không nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ. Ngoài ra, ông cũng nhận định Kiev cần nhanh chóng “thay đổi chiến lược của mình.”
Liên quan đến Ukraine, ngày 6/1, Chính phủ Ba Lan đã ký một thỏa thuận với nông dân nước này nhằm chấm dứt tình trạng phong tỏa cửa khẩu biên giới với Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, thỏa thuận trên đạt được giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Czeslaw Siekierski và đại diện những người nông dân làng Medyka, gần biên giới Ukraine.
Với thỏa thuận này, Chính phủ Ba Lan sẽ triển khai trợ cấp nông dân trồng ngô, tăng nguồn cung tín dụng ưu đãi và duy trì thuế nông nghiệp ở mức năm 2023. Đổi lại, nông dân đã tạm dừng việc phong tỏa một cửa khẩu biên giới chính với Ukraine.
Nông dân làng Medyka đã tham gia làn sóng biểu tình của các tài xế xe tải tại một số cửa khẩu biên giới Ba Lan-Ukraine từ ngày 6/11/2023 nhằm yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) khôi phục một hệ thống đối ứng, bắt buộc các công ty Ukraine phải xin giấy phép hoạt động trong khối.
Nông dân Ba Lan đã dừng biểu tình vào ngày 24/12/2023 sau cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp Czeslaw Siekierski, nhưng sau đó đã nối lại biểu tình từ ngày 4/1 vừa qua nhằm yêu cầu một thỏa thuận chính thức.
Với việc các cảng của Ukraine ở Biển Đen - tuyến đường xuất khẩu quan trọng - gần như bị phong tỏa do cuộc xung đột với Nga, các doanh nghiệp Ukraine phải dựa vào đường bộ và đường sắt để định tuyến lại hoạt động xuất nhập khẩu của mình.
Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine ước tính trung bình có 40.000-50.000 lượt xe tải qua biên giới với Ba Lan mỗi tháng thông qua 8 cửa khẩu hiện có, gấp đôi so với trước xung đột./.