Ukraine chấp thuận cơ chế vận chuyển khí đốt qua đường ống từ Hy Lạp
Ukraine có thể sớm được nhập khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống xuyên Balkan, ngoài các tuyến đường hiện có từ Hungary, Ba Lan và Slovakia, với mức thuế suất ưu đãi.
Ngày 27/5, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo cơ quan này đã thông qua cơ chế nhập khẩu khí đốt giúp tránh được mức phí trung chuyển cao khi vận chuyển khí đốt qua đường ống xuyên Balkan từ Hy Lạp đến Ukraine.
Trong một tuyên bố, Bộ Năng lượng nêu rõ tuyến đường ống xuyên Balkan có tiềm năng đáng kể để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Ukraine... Tuy nhiên, do đi qua 5 quốc gia và việc áp dụng trực tiếp các mức thuế được quản lý khiến tuyến đường này kém hấp dẫn về mặt thương mại so với các lựa chọn thay thế khác.
Trước thực tế đó, các nhà khai thác vận chuyển khí đốt của 5 quốc gia đã phát triển một giải pháp tối ưu, đặc biệt là cho phép sử dụng công suất hiện chưa sử dụng của tuyến đường ống xuyên Balkan để nhập khẩu khí đốt vào Ukraine với mức thuế cạnh tranh.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Galushchenko xác nhận: "Chúng tôi đã nhất trí với đơn vị vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine về một cơ chế chung để đặt hàng vận chuyển từ Hy Lạp đến Ukraine qua tuyến đường ống xuyên Balkan. Cuộc họp hôm nay đã đưa ra quyết định liên quan vấn đề này."
Theo người đứng đầu Bộ Năng lượng Ukraine, động thái này sẽ đảm bảo các cách thức thay thế để cung cấp khí đốt cho Ukraine và sẽ cải thiện an ninh năng lượng của khu vực.
Ông cũng cho biết thêm rằng các đơn vị vận hành hệ thống đường ống của Moldova, Bulgaria, Hy Lạp và Romania đã nộp đơn xin phê duyệt lên cơ quan quản lý quốc gia của họ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Galushchenko còn kêu gọi các đối tác của Ukraine ủng hộ "quyết định chiến lược" này.
Hôm 14/5 vừa qua, công ty tư vấn EXPRO của Ukraine chuyên đưa tin về ngành dầu khí cho biết trữ lượng khí đốt tại các cơ sở lưu trữ ngầm của Ukraine hiện ở mức 6,02 tỷ mét khối, mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Nước này đang nhập khẩu khí đốt qua Slovakia và Hungary, nhưng không sử dụng tuyến đường phía Nam do mức thuế trung chuyển cao hơn, vì khí đốt từ các nhà máy xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Hy Lạp cũng đi qua Bulgaria, Romania và Moldova.
Hồi tháng Hai, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã ra lệnh cho công ty dầu khí nhà nước lớn nhất Ukraine là Naftogaz chuẩn bị một chiến lược nhập khẩu khí đốt để bù đắp cho tình trạng thâm hụt có thể xảy ra trong hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này nhằm chuẩn bị cho hệ thống sưởi vào mùa Đông tới.
Vào ngày 1/1 năm nay, hoạt động vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine đã bị đình lại do hợp đồng năm 2019 giữa Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Naftogaz hết hạn.
Gazprom cho biết họ không có đủ cơ sở pháp lý cũng như kỹ thuật để tiếp tục bơm khí đốt vào đường ống cung cấp cho Moldova và 4 nước Liên minh châu Âu (EU), cụ thể là Slovakia, Áo, Italy và Cộng hòa Séc./.