Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh tới 120 đồng
Tính đến 16 giờ 30 chiều ngày 6/11 giá USD được các ngân hàng thương mại giảm mạnh từ 100-120 đồng/USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Ngày 6/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.064 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với cuối tuần và giảm khoảng gần 50 đồng so với mức đỉnh hồi tháng Mười.
Cùng chiều, tính đến 16 giờ 30 chiều 6/11 giá USD được các ngân hàng thương mại cũng đi xuống từ 100-120 đồng/USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD quanh 24.130 đồng/USD mua vào và 24.500 đồng/USD bán ra, giảm tới 70 đồng /USD so với mở cửa phiên sáng nay và giảm 120 đồng/USD so với chốt phiên trước.
[Lãi suất qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh nhất trong 4 tháng qua]
Tương tự, tỷ giá USD tại Ngân hàng Agribank thông báo từ 24.070-24.510 đồng/USD, cũng giảm 120 đồng/USD so với phiên trước.
Ngân hàng Vietinbank thông báo giá mua vào là 24.170 đồng/USD và bán ra là 24.510 đồng/USD, giảm 100 đồng/USD; Ngân hàng BIDV áp dụng tỷ giá từ 24.175-24.475 đồng/USD, giảm 105 đồng/USD.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có mức giảm tương tự. Hiện Eximbank đang giao dịch quanh mức 24.220-24.560 đồng/USD (mua vào-bán ra); Sacombank giao dịch quanh mức 24.140-24.500 đồng/USD; Techcombank giao dịch ở mức 24.179-24.530 đồng/USD; TPbank giao dịch từ 24.110-24.515 đồng/USD…
Cuối tuần qua Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất, trong phạm vi 5,25% đến 5,5%. Mức lãi suất này đã được duy trì từ tháng Bẩy đến nay. Ngay sau động thái này của Fed chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm trên 1% xuống còn 105 điểm.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cho rằng Fed không tăng lãi suất đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ chững lại và sẽ theo xu hướng đi xuống. Theo đó, áp lực tỷ giá sẽ giảm bởi thời gian vừa qua, áp lực tăng tỷ giá chủ yếu do giá USD tăng.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm sức ép lên tỷ giá vẫn còn.
Theo đó, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như giá cả các loại hàng hóa cơ bản, giá dầu có xu hướng tăng bởi tình hình bất ổn tại Trung Đông và sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Do đó, sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm là khá lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, áp lực này chủ yếu do yếu tố mùa vụ nhiều hơn nên phải chấp nhận mức độ giảm giá VND tương đối trong ngắn hạn.
Chuyên gia nhận định năm 2023, tỷ giá không phải là vấn đề quan ngại đối với nền kinh tế. Với diễn biến thị trường như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng thêm 1%-2% và cả năm có thể tăng 4%-5%, thậm chí có nhỉnh hơn một chút. Bởi trên thế giới, đồng nội tệ của nhiều nước mất giá lên đến 2 con số, vì vậy tỷ giá VND/USD duy trì ở mức trên là một thành công lớn đối với Việt Nam.
Cũng có ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, thị trường phải chấp nhận có lúc lên, lúc xuống. Nếu để "cứng đơ" thì không còn là kinh tế thị trường và cũng không thể có sự bất biến trong tỷ giá.
Có thể thấy, so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, tỷ giá của Việt Nam được cơ quan điều hành rất tốt. Tỷ giá tuy có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức hợp lý vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư.
Tính đến hết tháng Mười, tỷ giá tăng 3,4% so với cuối năm, trong khi đó dự báo nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa không cao như mọi năm do cầu hàng hóa kinh tế thế giới vẫn thấp. Thêm nữa cán cân thương mại đang thặng dư. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ tín phiếu hút tiền về khá hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.
“Những yếu tố trên giúp cho tỷ giá trong kiểm soát của cơ quan điều hành,” Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa khẳng định./.