Tuyển sinh đại học ở TP Hồ Chí Minh: Điểm chuẩn nhiều ngành tăng vọt
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều ngành năm trước có điểm chuẩn 15 điểm thì năm nay "nhảy" lên 24-25 điểm, như ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành quản lý và kinh doanh vận tải).
Đến chiều 23/8, hầu hết các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn các ngành đào tạo đại học theo phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023.
Điểm chuẩn năm tiếp tục có sự biến động tăng, giảm tùy ngành, trường, trong đó có nhiều ngành tăng vọt so với năm trước. Ngành hấp dẫn trong khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe vẫn duy trì ở mức điểm chuẩn cao.
Nhiều ngành tăng vọt
Điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của các trường đại học công bố cho thấy, ở một số trường, ngành có mức điểm chuẩn tăng mạnh so với năm trước.
Đáng chú ý, tại Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có ngành điểm chuẩn tăng đến cả 10 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn của trường dao động từ 17-25,65 điểm. Các ngành Công nghệ thông tin, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khai thác vận tải có điểm chuẩn cao nhất.
Dù so với mặt bằng chung các trường, mức này không phải quá cao nhưng so với điểm chuẩn của trường năm trước, nhiều ngành lại tăng vọt (điểm chuẩn năm trước là 15-19 điểm, phần lớn là 15 điểm).
Cụ thể, nhiều ngành năm trước có điểm chuẩn 15 điểm thì năm nay "nhảy" lên 24-25 điểm, như ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành quản lý và kinh doanh vận tải) có điểm chuẩn 24,75; ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, Kinh tế vận tải biển 24,7; ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 25 điểm; tăng mạnh nhất là ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao, với mức 25,65 điểm. Hầu hết các ngành còn lại của trường đều có điểm chuẩn tăng từ 7-8 điểm so với năm trước.
Nhiều năm nay, nhóm ngành Công nghệ thông tin, Máy tính, Trí tuệ nhân tạo nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh. Vì thế, ở những trường “có tiếng” về nhóm ngành này, điểm chuẩn các ngành này ở mức khá cao (từ 25 điểm) và thường dẫn đầu về điểm chuẩn trong số các ngành đào tạo của mỗi trường.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 17-28,05 điểm, trong đó, lĩnh vực Toán, Máy tính và Công nghệ thông tin đều từ 25,3 điểm trở lên.
[Điểm chuẩn đại học 2023: Không còn hiện tượng cao 'chạm trần']
Cụ thể, nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin 26,5 điểm, ngành Công nghệ thông tin (chất lượng cao) 26 điểm, Trí tuệ nhân tạo 27 điểm, Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 28,05 điểm…
Năm nay, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí (kết quả thi đánh giá năng lực của một trong hai Đại học Quốc gia, điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, kết quả quá trình học Trung học Phổ thông và các tiêu chí khác gồm thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ) với cách tính điểm xét tuyển riêng.
Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết hợp này dao động từ 54-79,84 điểm với chương trình chuẩn, cao nhất là ngành Khoa học Máy tính; chương trình dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến có điểm chuẩn từ 54-75,63 điểm, cao nhất cũng là ngành Khoa học Máy tính.
Điểm chuẩn Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ 25,4-27,8 điểm; ngành Trí tuệ nhân tạo điểm chuẩn cao nhất; các ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến), Kỹ thuật máy tính (chuyên ngành thiết kế vi mạch) cùng mức điểm chuẩn 25,4.
Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có điểm chuẩn từ 18-25,25 điểm, trong đó ngành Khoa học Máy tính, Khoa học Dữ liệu, Công nghệ thông tin đều 25 điểm.
Ở nhiều trường khác, điểm chuẩn hầu hết các ngành tăng nhẹ. Các ngành đào tạo của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đều có điểm chuẩn trên 24 điểm, dao động từ 24,1-25,24 điểm.
Ngành Kinh tế quốc tế có điểm chuẩn cao nhất, tăng 0,59 điểm so với năm ngoái; tiếp đến là ngành Luật Kinh tế với 25,07 điểm, tăng 0,7 điểm; Ngôn ngữ Anh là ngành có điểm chuẩn tăng nhiều nhất, tăng 1,79 điểm so với năm trước; riêng ngành Quản trị kinh doanh có điểm giảm nhẹ, ở mức 25,05 điểm (giảm 0,3 điểm).
Tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ 21-28 điểm.
Thống kê của trường cho thấy số ngành có điểm chuẩn từ 24 điểm trở lên chiếm 66,3%; từ 21 đến dưới 24 điểm chiếm 33,7%. Điểm chuẩn cao nhất vẫn là ngành Báo chí (tổ hợp C00), dù có giảm nhẹ 0,25 điểm so với năm trước.
Nhiều ngành khác có mức trúng tuyển từ 27 điểm như: Báo chí Chất lượng cao, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Văn học. Các chương trình liên kết quốc tế 2+2 có điểm chuẩn dao động từ 21,35 đến 22,65 điểm.
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Marketing có mức trúng tuyển cao nhất với 25,25 điểm, tương đương năm ngoái. Thấp nhất là hai ngành Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng và Công nghệ sinh học chất lượng cao, cùng mức 16,5 điểm, tăng 0,5 điểm. Các ngành Công nghệ thông tin (điểm chuẩn 24,5 điểm), Logicstics và Quản lý chuỗi cung ứng (24,6 điểm), Khoa học máy tính (24 điểm) có điểm chuẩn giảm 0,5-1 điểm so với năm trước.
Lĩnh vực sức khỏe, sư phạm vẫn duy trì mức cao
Ở khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, dù có biến động tăng, giảm nhưng một số ngành vẫn duy trì ở mức điểm chuẩn cao. Điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ 19,4-27 điểm. Đây là năm thứ hai liên tiếp ngành Sư phạm Ngữ văn dẫn đầu về điểm chuẩn của trường, dù vậy mức điểm năm nay giảm 1,25 điểm so với năm ngoái.
Đáng chú ý, ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Giáo dục Công dân trở thành ngành có điểm chuẩn cao thứ hai, lần lượt là 26,85 (tăng 0,02 điểm) và 26,75 điểm (tăng 1,25 điểm); điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm tiếng Nga.
Ba ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ở năm trước là Sư phạm Toán, Hóa, Ngữ văn (từ 27 điểm), năm nay lại giảm từ 0,5-1,25 điểm. Đa số ngành đào tạo giáo viên còn lại có điểm chuẩn tăng từ 0,1-4,18 điểm, tăng mạnh nhất là ngành Giáo dục mầm non.
Năm nay, Trường Đại học Sài Gòn có 40 ngành đào tạo, trong đó 15 ngành đào tạo giáo viên có điểm chuẩn từ 20,8-26,31 điểm; nhóm ngành còn lại từ 17,91-24,58 điểm. Điểm chuẩn cao nhất của nhóm ngành đào tạo giáo viên là ngành Sư phạm Toán học, 26,31 điểm (tổ hợp A00) - đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất trường; thấp nhất là ngành Giáo dục mầm non, tăng 1,8 điểm so với năm trước. Năm trước, điểm chuẩn của trường dao động 15,45-27,33 điểm; riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 19-27,33, cao nhất vẫn là ngành Sư phạm Toán.
Khối ngành đào tạo sức khỏe, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, mức điểm chuẩn cao nhất là ngành Y khoa với 27,34 điểm (giảm 0,21 điểm so với năm trước). Xếp thứ hai về mức điểm chuẩn của trường là ngành Răng - Hàm - Mặt với 26,96 điểm (giảm 0,04 điểm). Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Y tế công cộng, 19 điểm, giảm 3,25 điểm. Ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng, Hộ sinh có điểm chuẩn tăng 0,5-3 điểm so với năm trước.
Ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phần lớn các ngành có điểm chuẩn thấp hơn phương thức xét riêng điểm thi từ 0,02-1,99 điểm; một số ít ngành có điểm chuẩn cao hơn như ngành Y học dự phòng cao 0,8 điểm, ngành Hộ sinh cao hơn 1,65 điểm.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có điểm chuẩn từ 18,35-26,31 điểm. Ngành Y khoa (thí sinh ngoài Thành phố Hồ Chí Minh) có điểm chuẩn cao nhất, 26,31 điểm, giảm 0,34 điểm so với năm ngoái; với thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh là 25,95 điểm, tăng 0,05 điểm.
Ngành Răng-Hàm-Mặt, điểm chuẩn với thí sinh ngoài Thành phố Hồ Chí Minh là 26,28 điểm, giảm 0,37 điểm; thí sinh thành phố là 26 điểm, giảm 0,1 điểm.
Ngược lại, ngành Dinh dưỡng có điểm chuẩn lần lượt với thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh và toàn quốc là 22,25 điểm và 21,80 điểm, tăng 4,15 và 2,7 điểm; ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng tăng khoảng 3 điểm./.