Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích
Các chuyên gia cho rằng, với các ngành "hot," người học có cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, học sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành học để biết có phù hợp với năng lực học tập của bản thân hay không.
Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương. Ngày hội cũng ghi nhận số lượng lớn cơ sở giáo dục tham gia với gần 250 gian tư vấn của 120 đơn vị.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ ban hành chính thức quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, chuẩn bị cho tháng 4 thí sinh đăng ký dự thi. Quy chế mới chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để đảm bảo kỳ thi an toàn, hiệu quả, công bằng cho mọi thí sinh.
Đối với thí sinh, điểm cập nhật cần quan tâm nhất trong quy chế này là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Việc đăng ký xét tuyển Đại học năm nay cơ bản không có thay đổi so với năm ngoái và thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thí sinh mới đăng ký các nguyện vọng xét tuyển Đại học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, năm nay, hầu hết các trường Đại học vẫn dành số chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Do vậy, kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vẫn rất quan trọng. Kết quả này khẳng định năng lực học tập của các em trong quá trình học.
Năm nay là năm cuối cùng của Chương trình giáo dục 2006, do vậy, các học sinh cần chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới, nỗ lực chinh phục mục tiêu đã đặt ra. Đây là thời điểm quan trọng để học sinh xác định được các ngành nghề, trường đào tạo mà các em yêu thích.
Xu hướng phát triển nghề nghiệp và nhu cầu xã hội trong thời gian tới cũng như việc chọn được ngành học phù hợp là băn khoăn của nhiều học sinh, phụ huynh tại Ngày hội.
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, rất khó để đưa ra dự báo chính xác cho một vài năm tới về ngành nghề sẽ có cơ hội việc làm nhiều nhất; đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ bùng nổ hiện nay. Xu hướng đào tạo hiện nay cũng có tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và đa lĩnh vực.
Những ngành nghề nào có sự cộng hưởng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực khác nhau thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người học. Chọn một ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là quan trọng, nhưng cơ hội việc làm và phát triển bản thân cũng phụ thuộc nhiều vào việc học của các em ở trường Đại học. Trong đó, sự tự học, tự nghiên cứu để thay đổi, nâng cấp bản thân là rất quan trọng để có thể thích ứng dù nền kinh tế phát triển thế nào.
Mùa tuyển sinh năm nay, các trường Đại học tiếp tục mở thêm các ngành mới đón đầu nhu cầu nhân lực xã hội. Các ngành đào tạo công nghệ cao, ngành đào tạo liên ngành gắn với công nghệ số xuất hiện khá nhiều trong các ngành đào tạo mới của các trường.
Ngành đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn, vi mạch cũng bắt đầu được nhiều trường tuyển sinh, nhằm giải quyết nhu cầu nhân lực phát triển ngành giai đoạn hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, với các ngành "hot," người học có cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên, học sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành học để biết được có phù hợp với năng lực học tập của bản thân hay không. Cùng với đó, các em cần tìm hiểu kỹ về định hướng đào tạo của trường, theo hướng nền tảng hay ứng dụng và có phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai của mình hay không để có quyết định đúng đắn.
Không “gặp nhau” về định hướng nghề nghiệp giữa phụ huynh và học sinh là vấn đề thường gặp trong quá trình chọn ngành học. Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phụ huynh nên lắng nghe ý kiến của con để giúp con chọn ngành nghề phù hợp với sở thích. Bởi vì, khi các em yêu thích thì mới học tốt và có cơ hội phát triển, có thu nhập tốt sau khi ra trường.
Thực tế thời gian qua đã có không ít sinh viên phải dừng việc học Đại học; bởi sau một thời gian theo học, các em cảm thấy ngành học không đúng đam mê. Vì thế, ngay từ bây giờ, nếu các em tự định hướng ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con./.