Tượng nữ thần Durga lần đầu ra mắt công chúng kể từ khi hồi hương
Lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ra mắt tượng nữ thần Durga 4 tay, hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa, mới được hồi hương tháng 6/2024 sau hành trình dài lưu lạc ở nước ngoài.
Ngày 28/8, tại Hà Nội, lần đầu tiên công chúng được tiếp cận, chiêm ngưỡng tượng đồng Nữ thần Durga, hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa từng lưu lạc sang Mỹ, Anh rồi mới được hồi hương về Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, khi tiếp nhận bức tượng, Bảo tàng đã thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị của tượng.
Hội đồng xác định: Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Tuy nhiên, thông tin về địa điểm cụ thể phát hiện tượng Nữ thần Durga vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.
“Đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử,” ông Đoàn cho biết.
Bức tượng được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Báu vật Champa-Dấu ấn thời gian” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức.
Phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương điểm lại hành trình hồi hương tượng Nữ thần Durga với sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở Anh và Mỹ.
Theo ông, những cổ vật của Việt Nam được tiếp nhận, hồi hương trong thời gian qua là kết quả của sự hợp tác, trao đổi thông tin trong nhiều năm, cũng là sự nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia liên quan trên tinh thần tuân thủ các điều ước quốc tế, trong đó có Công ước UNESCO về các biện pháp cấm buôn bán, xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.
“Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới các quốc gia sẽ tích cực hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thu thập thông tin, nhận diện, đàm phán và hồi hương cổ vật Việt Nam bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp. Chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói riêng và tài sản văn hóa của nhân loại nói chung,” ông Cương nói.
Triển lãm “Báu vật Champa-Dấu ấn thời gian” gồm 2 phần.
Phần 1 – “Tượng và linh vật tôn giáo” giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: Tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Linga-Yoni, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý.
Phần 2 – “Đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo và quyền uy hoàng tộc” giới thiệu những hiện vật mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc và tôn giáo, như: Khuyên tai, nhẫn, dây chuyền, trâm cài tóc, lược, vòng tay, bao tay, thắt lưng, hộp đựng đồ trang sức, các đồ đội dạng mũ, vương miện, bịt tóc... được trang trí những biểu tượng mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của nghệ thuật Champa, đặc biệt là các vị thần Hindu giáo.
Triển lãm kéo dài đến tháng 10/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 1 Tràng Tiền, Hà Nội./.