Tuân thủ pháp luật lao động: Giảm rủi ro tai nạn lao động
Việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, nhất là những vấn đề liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động.
Ngày 26/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò của Tổ chức Công đoàn trong việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.”
Đây là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, 0ãành đạo tổ chức Công đoàn các tỉnh, thành phố phía Nam trao đổi, thảo luận, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và vai trò của Công đoàn trong việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.
Tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn, nhất là những vấn đề liên quan đến an toàn và vệ sinh lao động.
Thời gian qua, dù có quy định và hệ thống giám sát nhưng tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn xảy ra, cho thấy công tác thực thi cần được cải thiện để giảm thiểu tai nạn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong đó, việc giám sát công tác an toàn lao động tại các Công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp phải được thực hiện nghiêm túc.
Để đảm bảo quyền lợi, quyền an toàn lao động của người lao động, Công đoàn các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động. Công tác an toàn và vệ sinh lao động cần được thực hiện một cách toàn diện và xã hội hóa, với việc huấn luyện lao động được tiếp cận đầy đủ.
Đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục an toàn Lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho rằng Công đoàn các cấp cần chú trọng, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới phù hợp với đặc điểm, thực tiễn của ngành, đơn vị; lựa chọn những vấn đề ưu tiên, nổi cộm để tập trung nguồn lực thực hiện.
"Công đoàn cần chú trọng tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên, đặc biệt phát huy vai trò của mạng lưới an toàn vệ sinh tại nơi làm việc; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, số hóa, tự động hóa, ứng dụng tiến bộ công nghệ AI trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động; khuyến khích thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc; nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt, hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động," ông Nguyễn Khánh Long chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại diện Better Work - chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, ghi nhận tình hình tuân thủ của các doanh nghiệp đã và đang có xu hướng cải thiện tốt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm không tuân thủ phổ biến an toàn vệ sinh lao động tại bộ phận y tế cơ sở, trang thiết bị bảo hộ lao động cá nhân, hệ thống báo cháy…
Đại diện Better Work đề xuất các phương pháp, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến tuân thủ an toàn vệ sinh lao động thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; triển khai các chính sách an toàn vệ sinh lao động, các quy trình hướng dẫn ứng phó các sự cố khẩn cấp, kiểm soát rủi ro; tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức đại diện người lao động phối hợp với doanh nghiệp phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động...
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn thuận lợi, kinh nghiệm trong quá trình giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc về an toàn vệ sinh lao động; vai trò của Công đoàn và những đề xuất giải pháp để việc tuân thủ pháp luật được thực hiện nghiêm nhằm hạn chế những rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động…/.