Từ sinh viên quét giảng đường đến chủ tịch liên hiệp hội khoa học tỉnh Thái Bình

“Ngay cả khi cầm chổi quét giảng đường, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ làm giảng viên, nhưng có lẽ nghề đã chọn người nên đến nay, tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa nói.

Tiến sỹ Trần Thị Hòa đánh trống trong lễ khai giảng Trường Đại học Thái Bình năm học 2022-2023. (Ảnh: NVCC)

Giữa khu giảng đường vắng lặng, cô sinh viên nhỏ bé Trần Thị Hoà miệt mài, cặm cụi đưa từng mái chổi. Quét giảng đường là một trong những công việc làm thêm của Hòa để góp phần trang trải chi phí học tập và vơi đi gánh nặng kinh tế cho gia đình.

“Ngay cả khi cầm chổi quét giảng đường, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành giảng viên, nhưng có lẽ nghề đã chọn người nên đến nay, tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, nguyên Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Thái Bình xúc động chia sẻ khi nhớ về những tháng ngày gian khó.

Nỗ lực không ngừng

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, mẹ làm nông nghiệp, bố mất sớm vì bạo bệnh, cả tuổi thơ Hòa là những ngày vừa đi học, vừa làm việc nhà, việc đồng phụ giúp gia đình. Ước mơ của cô gái nhỏ khi ấy là trở thành bác sỹ quân y để vừa bớt chi phí học tập, vừa có thể chữa bệnh cứu người.

Nhưng đến cuối năm lớp 12, suy nghĩ nghiêm túc hơn về định hướng tương lai, Hòa đã chọn ngành vô tuyến điện và thông tin liên lạc của Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị gái phải nghỉ học từ lớp 9 để nhường cơ hội học tập lại cho em đã trở thành động lực để Hòa nỗ lực phấn đấu không ngừng để có thể phát triển bản thân, vì một tương lai tốt đẹp hơn. Mong bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, Hòa nhận quét giảng đường, đi dạy thêm, miệt mài học để giành học bổng.

Nhưng dù bận làm thêm, bận học, Hòa vẫn sắp xếp được thời gian để tham gia năng nổ trong các hoạt động đoàn, hoạt động phong trào. Trong 5 năm trên ghế giảng đường, Hòa có 4 năm làm lớp trưởng, giành huy chương vàng giọng ca sinh viên, hai lần đại diện trường tham gia giải chạy việt dã báo Tiền phong, là thành viên câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, tham gia các đề tài nghiên cứu cấp khoa, cấp trường. Đề tài tốt nghiệp của Hòa được đánh giá xuất sắc và vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2002.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Trần Thị Hòa từ chối nhiều lời mời của các doanh nghiệp lớn ở Thủ đô để trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình. “Nhận được lời mời làm việc của trường chỉ hai ngày sau khi nộp hồ sơ, tôi vô cùng hạnh phúc vì có cơ hội được trở về cống hiến, phát triển sự nghiệp ngay tại quê hương, có thể ở gần hơn với gia đình,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa chia sẻ.

Tiến sỹ Trần Thị Hòa hạnh phúc khi có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo. (Ảnh: NVCC)

Từ cô sinh viên ngành vô tuyến điện, để tự tin đứng trên giảng đường dạy sinh viên lại là hành trình học hỏi mới của Tiến sỹ Trần Thị Hòa. Cô bắt đầu sự nghiệp “trồng người” với nhiệm vụ quản lý các lớp đào tạo chứng chỉ dành cho nông dân, các khóa học nghiệp vụ sư phạm, các buổi đi dự giờ để học hỏi từ đồng nghiệp, rồi từng bước chuyển sang dạy bậc trung cấp, cao đẳng và từ năm 2011 là đại học khi Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình được nâng cấp thành Trường Đại học Thái Bình.

Với năng lực và sự nỗ lực học hỏi, Tiến sỹ Trần Thị Hòa đã nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và liên tục thăng tiến trong sự nghiệp, đảm nhiệm các vị trí trưởng bộ môn, trưởng khoa, từ năm 2017 là Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Thái Bình và từ năm 2023 đến nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình.

Nghiên cứu phụng sự cộng đồng

Không chỉ giảng dạy, Tiến sỹ Trần Thị Hòa còn đạt nhiều thành tựu trên hành trình nghiên cứu khoa học khi liên tục đạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình các năm 2013, 2017 và 2021.

Trong đó, công trình nghiên cứu nữ tiến sỹ ấn tượng và tự hào nhất là giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động kiểm soát chất lượng nước để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm thẻ chân trắng.” Công trình này đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2021.

Tiến sỹ Trần Thị Hòa cho biết đây là công trình nghiên cứu cấp tỉnh, xuất phát từ nhu cầu thực tế về cải thiện quy trình nuôi tôm của doanh nghiệp. Công trình nghiên cứu đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân không khi cần phải cử người đo chỉ số nước nuôi mỗi giờ một lần hay bật công tắc quạt để cung cấp oxy cho tôm. Hệ thống cũng tự động báo về cho chủ doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật nếu các chỉ số hồ nước bất thường để có thể xử lý kịp thời. Công trình hiện đang được ứng dụng triển khai tại doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.

Tiến sỹ Trần Thị Hòa vinh dự trở thành một trong những trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hòa, để có được những công trình nghiên cứu đạt kết qủa tốt, có thể ứng dụng vào thực tế là điều không dễ dàng, khi kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, muốn tận dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài cần phải mua trang thiết bị nhập khẩu đắt đỏ, còn phải tính đến công sức của cộng sự. Trong khi đó, không phải công trình nào cũng đạt kết quả mong đợi. Bên cạnh đó, người làm nghiên cứu, nhất là nhà khoa học nữ, còn phải cân đối với việc giảng dạy và dành thời gian cho gia đình.

“Có những lúc mệt mỏi nhưng tôi luôn tự động viên bản thân phải nỗ lực vượt qua. Gia đình chính là điểm tựa và đồng nghiệp là động lực để tôi cố gắng,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa chia sẻ.

Ở vai trò quản lý, Tiến sỹ Trần Thị Hòa cũng để lại nhiều dấu ấn khi luôn chú trọng các giải pháp để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nhân lực. Là Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Thái Bình, Tiến sỹ Trần Thị Hòa làm việc với Sở Nội vụ Thái Bình để có mức ưu đãi, hỗ trợ để thu hút giảng viên có năng lực đồng thời làm việc với các trường đại học để mời sinh viên ưu tú về Đại học Thái Bình sau khi tốt nghiệp.

“Chúng tôi cũng tạo điều kiện, cơ chế chính sách để giảng viên có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng xây dựng đội ngũ kế cận, trong đó những người thích ứng nhanh với sự phát triển vũ bão của thời đại là một ưu tiên,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa chia sẻ.

Xác định trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa là yêu cầu tất yếu, là chìa khoá để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, Tiến sỹ Trần Thị Hòa chỉ đạo triển khai mạnh mẽ số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập.

Nhờ chú trọng về chất lượng đội ngũ và ứng dụng công nghệ, số giảng viên trình độ tiến sỹ của Trường Đại học Thái Bình đã tăng gấp đôi, chất lượng đào tạo không ngừng được tăng lên khi sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao ngay từ giai đoạn thực tập. “Sự đánh giá đó chính là khẳng định thiết thực nhất cho những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa chia sẻ.

Đảm nhiệm cương vị mới với vai trò Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, Tiến sỹ Trần Thị Hòa cho hay vẫn luôn nhớ nghề và tranh thủ mọi thời gian có thể để hỗ trợ giảng dạy tại Trường Đại học Thái Bình.

“Nghề đã chọn mình và tôi sẽ luôn cố gắng hết sức để có thể góp phần ươm mầm cho thế hệ trẻ bởi họ sẽ chính là những người tiếp bước để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Tiến sỹ Trần Thị Hòa nói./.