Từ 'Đất rừng phương Nam', 'soi' văn hóa phê bình trên mạng xã hội

Việc phim 'Đất rừng phương Nam' bị chỉ trích trên mạng khiến đại biểu Quốc hội suy nghĩ về bạo lực, tấn công trên mạng. Trưởng ngành Thông tin-Truyền thông và ngành Văn hóa đã trả lời về vấn đề này.

Phim 'Đất rừng phương Nam' từng gây tranh cãi về tính đúng-sai trong lịch sử. (Ảnh: Galaxy)

Từ vụ việc Hoa hậu Ý Nhi và phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” bị chê bai, chỉ trích trên mạng xã hội, đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về sự nguy hiểm của những “đòn tấn công” trong thế giới ảo.

Trong phiên chất vấn chiều 7/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) gọi đây là một hình thức bạo hành và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng tấn công.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Nghị định 72 sửa đổi đã đặt ra vấn đề về quản lý mạng xã hội, trong đó có nội dung việc xâm hại đời tư, tấn công cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc thực thi pháp luật với hành vi xâm hại đời tư cá nhân trên mạng xã hội ngày càng nghiêm minh hơn, điển hình gần đây là vụ việc liên quan tới bà Phương Hằng đã bị pháp luật xử lý.

[Vướng 'lùm xùm', Đất rừng phương Nam vẫn có số suất chiếu 'khủng']

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định giải pháp căn cơ nhất là xây dựng văn hóa số.

“Không gian mạng là môi trường còn mới với rất nhiều người, tốt đẹp bao nhiêu thì cũng nhiều tệ nạn bấy nhiêu. Do đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng còn nhiều vấn đề phải bàn,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về giải pháp, ông Hùng đề xuất đưa nội dung văn hóa số vào các trường học để giáo dục cho học sinh, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa ứng xử trên mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mở các khóa đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để tự bảo vệ mình cũng như tăng sức đề kháng với thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Liên quan đến vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các quảng cáo này có mặt trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Phía Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định pháp luật nghiêm minh và đã xử lý nhiều vụ việc để răn đe, song cần sự phối hợp liên ngành để công tác quản lý Nhà nước hiệu quả hơn.

“Nhiều người nghĩ rằng đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là quan niệm cần phải thay đổi,” ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội trường. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện cơ quan quản lý về văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ và ngăn chặn các thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Bộ cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Liên quan đến bộ phim “Đất rừng phương Nam” bị tấn công, vùi dập như đại biểu Tô Thị Bích Châu phản ánh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay nội dung phim đã được kiểm duyệt, cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Việc dư luận cho rằng bộ phim có những vấn đề chưa phù hợp thì cần phải xem xét, nếu như có ý kiến xúc phạm bôi nhọ, sai sự thật thì cần xử lý theo quy định,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ./.