TTXVN: Huy động mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch COVID-19

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu “tấn công” Việt Nam, TTXVN xác định đây là tuyến thông tin quan trọng và là một trong những chiến dịch được toàn ngành triển khai một cách bài bản.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xông xáo tác nghiệp, đảm bảo truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác. (Ảnh: TTXVN)

Trong gần hai năm dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước liên tục có những quyết sách quan trọng để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Để những quyết sách đi vào thực tiễn thì vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông là vô cùng quan trọng, trong đó nguồn tin chính thống của Thông tấn xã Việt Nam đã được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Với mạng lưới các cơ quan thường trú đặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và 30 cơ quan thường trú nước ngoài ở khắp các châu lục, tin tức của Thông tấn xã Việt Nam từ “tổng hành dinh” số 5 Lý Thường Kiệt-Hà Nội, đã tỏa đi khắp nơi, đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống “giặc COVID-19” của cả nước.

Phát huy thế mạnh của dòng thông tin chủ lưu

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu “tấn công” Việt Nam đầu năm 2020, Ban lãnh đạo TTXVN xác định đây là tuyến thông tin quan trọng và là một trong những chiến dịch được toàn ngành triển khai một cách bài bản, điều chỉnh kịp thời theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh.

Cuối tháng 1/2020, TTXVN đã xây dựng kế hoạch tổng thể về tuyến tin này. Trong quá trình triển khai, lãnh đạo ngành đã có sự chuyển dịch trọng tâm phù hợp với diễn biến dịch và uyển chuyển trong việc điều chỉnh liều lượng cũng như mức độ thông tin để công chúng nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng lại không hoảng hốt, hoang mang.

Trong giai đoạn đầu, thông tin TTXVN chú trọng vào việc cung cấp thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng, chống dịch.

Ở giai đoạn thứ hai, TTXVN tập trung thông tin nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội và hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội đối với việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Khi Đảng và Chính phủ xác định “mục tiêu kép,” TTXVN lại phản ánh thực tế các ngành, địa phương và nhân dân vừa nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội vừa đảm bảo thực hiện các quy định về phòng chống dịch xâm nhập từ bên ngoài.

Phóng viên TTXVN tác nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Trưởng Ban Biên tập tin trong nước, đầu mối của 63 cơ quan thường trú trong nước, cho hay mọi nguồn lực của TTXVN đã được huy động trong trận tuyến thông tin này để tạo ra một “ngân hàng tin tức” phong phú, đa dạng cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.

“Khó khăn càng nhiều thì sự nỗ lực cố gắng càng phải nhân lên. Hàng ngày, khi miệt mài với những dòng tin, chúng tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng làm sao để có tin, bài chuẩn chất Thông tấn, đó là phải ‘khách quan, trung thực, nhanh nhạy, chuẩn xác’, tạo được nguồn tin phong phú cho các báo, đài sử dụng,” nhà báo Nguyễn Thị Sự chia sẻ.

Khi Việt Nam đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát kể từ cuối tháng 4/2021, áp lực công việc đè nặng lên vai những phóng viên thường trú tại Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, với địa bàn quản lý trải rộng 21 tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam cho hay để ghi lại những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động nhất về tình hình dịch bệnh, các phóng viên đã xông pha trên mọi trận tuyến, quên ăn quên ngủ.

“Bản thân cá nhân tôi cũng cảm thấy khâm phục tinh thần dấn thân vì công việc của anh em phóng viên. Về phần mình, chúng tôi luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời có hình thức động viên khích lệ anh em, cung cấp trang thiết bị bảo hộ và liên hệ để viên chức, người lao động cơ quan được tiêm phòng đầy đủ một cách sớm nhất,” ông Tuấn cho biết.

Ông khẳng định động lực lớn nhất của các phóng viên là niềm say mê với nghề, là trách nhiệm của một nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, là tình yêu thương và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

“Những phẩm chất đó đã ngấm vào máu thịt của các phóng viên Thông tấn, đơn vị hai lần nhận danh hiệu anh hùng. Càng trong khó khăn, bản lĩnh của chúng ta càng được tôi luyện, càng thử thách thì tình yêu và trách nhiệm nghề nghiệp càng được đề cao. Đó cũng là sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi gian khó,” ông chia sẻ.

Một Việt Nam kiên cường trong phòng chống dịch

Chiến lược thông tin tổng thể của Thông tấn xã Việt Nam được xây dựng dựa trên hai trụ cột là đối nội và đối ngoại. Song song với nhiệm vụ truyền tải thông tin phục vụ độc giả trong nước, Thông tấn xã Việt Nam là đơn vị chủ lực thực hiện thông tin đối ngoại, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam của độc giả người Việt Nam ở nước ngoài, bạn đọc quốc tế.

“Chúng tôi triển khai tích cực những tuyến thông tin quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, cải chính những thông tin sai lệch,” nhà báo Đào Diệu Hương, Phó Trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại cho hay.

Phóng viên TTXVN tác nghiệp trong điều kiện bảo hộ an toàn. (Ảnh: TTXVN)

Trong giai đoạn Việt Nam bùng phát dịch COVID-19, nội dung tuyên truyền đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam cũng được đa dạng hóa với các thông tin phản ánh tình hình chống dịch của đất nước, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam với các đối tác.

Bên cạnh Ban biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam cũng tăng cường đẩy mạnh tuyến thông tin về COVID-19 qua các tờ báo tiếng Anh-Việt Nam News, báo tiếng Pháp-Le Courrier du Vietnam, Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum (tạp chí pháp luật tiếng Anh duy nhất cả nước), Báo ảnh Việt Nam và báo điện tử đa ngữ VietnamPlus.

Những thông tin được thực hiện bằng các ngôn ngữ khác nhau đã mang đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam kiên cường chống dịch luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết đồng thời thể hiện sức mạnh đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.

Bác bỏ các tin xấu, độc giữa "bão COVID-19"

Dịch bệnh bùng phát kéo theo hàng loạt những luồng thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến thành quả chống dịch. TTXVN nói chung và Báo điện tử VietnamPlus là đơn vị đi đầu toàn ngành trong việc ứng dụng những sản phẩm báo chí hiện đại, gia tăng trải nghiệm cho độc giả và đẩy lùi làn tin xấu độc.

Bên cạnh chiến lược tổng thể của Thông tấn xã Việt Nam, báo VietnamPlus chủ động kế hoạch triển khai phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh. Tất cả phóng viên, biên tập viên tòa soạn được huy động cho chiến dịch thông tin quan trọng này.

[76 năm TTXVN: Anh hùng trong chiến đấu và trong lao động]

Tổng biên tập Báo VietnamPlus, nhà báo Trần Tiến Duẩn cho biết chuyên mục kiểm chứng thông tin (Fact-check) hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp cho độc giả những thông tin chân thực, “đính chính” thông tin sai lệch trên các mạng xã hội. Chuyên mục này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, đặc biệt là những độc giả trẻ, những độc giả thuộc thế hệ “Gen Z” vốn là nhóm đối tượng rất dễ bị tin giả tấn công.

“VietnamPlus luôn giữ vững định hướng trở thành tờ báo tích hợp nhiều loại hình thông tin nhất, đi đầu về ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin điện tử, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả,” Tổng biên tập Trần Tiến Duẩn chia sẻ.

Có thể khẳng định rằng cuộc chiến chống tin giả đã được TTXVN triển khai từ sớm và kể từ năm 2019, một loạt ý tưởng sáng tạo đã đưa cuộc chiến chống fake news lên một cấp độ mới.

Với những nỗ lực đó, dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam đã giành chiến thắng ở hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA).

Dự án của TTXVN có tên gọi “Cuộc chiến chống tin giả-Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” gồm bài hát chống Fake News bằng 15 ngôn ngữ; tài khoản Factcheckvn trên mạng xã hội TikTok hướng vào giới trẻ; dự án "Nói không với Fake News" đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh toàn quốc…

Sự quan tâm và ghi nhận của đọc giả dành cho tin tức của TTXVN nói chung và những thông tin về công cuộc phòng, chống COVID-19 nói riêng là nguồn động lực to lớn để mỗi cán bộ, phóng viên thông tấn tiếp tục dấn thân, giữ cho dòng tin luôn chảy mãi./.

Minh Thu (Vietnam+)