Trường Sa - Nơi triệu trái tim người Việt bốn phương luôn hướng về

Sau mỗi chuyến thăm, kiều bào lại càng hiểu thêm nỗ lực và sự hy sinh vô cùng lớn lao của cán bộ chiến sỹ ở đảo; đồng thời thêm tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước.

Giữa bao la sóng gió của biển khơi, Trường Sa không chỉ là mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn là điểm hẹn của triệu trái tim người Việt nơi năm châu bốn bể. Với những người Việt xa xứ, có dịp được tới thăm quần đảo Trường Sa là niềm tự hào lớn lao, là hành trình trở về nguồn cội đầy thiêng liêng.

Trong hải trình đặc biệt mang tên “Chuyến tàu Đại đoàn kết,” hơn 60 đại diện kiều bào từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng nhau viết nên câu chuyện đoàn kết, yêu thương và trách nhiệm với biển đảo quê hương.

Nhân dịp này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, để cùng lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động và ý nghĩa về hành trình đặc biệt này.

- Thưa ông, chuyến đi Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài? Và việc kết nối kiều bào với Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với sự hỗ trợ đặc biệt của Quân chủng Hải quân đã tổ chức 12 chuyến đi để cho đại diện kiều bào ở trên thế giới về thăm Trường Sa. Chuyến thăm của lần này có ý nghĩa rất đặc biệt khi cả đất nước đang hướng về những ngày lễ lớn và trọng đại như kỷ niệm 80 năm ngày lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và 70 năm ngày thành lập của Quân chủng Hải quân.

Chuyến thăm lần thứ 12 của đoàn kiều bào đến Trường Sa diễn ra trong bầu không khí cả nước đang chuyển mình, với một cuộc vươn mình nhiều thách thức nhưng cũng đầy triển vọng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Thứ nhất, chuyến thăm của bà con thể hiện tình yêu, niềm hy vọng của hơn 6 triệu kiều bào trên toàn thế giới đối với cả đất nước, đối với công cuộc bảo vệ tổ quốc, xây dựng và phát triển tổ quốc và đặc biệt là ở vùng tiền tiêu xa xôi nhất của đất nước, đấy là đảo Trường Sa. Sau mỗi chuyến thăm, kiều bào ngoài nước lại càng thêm hiểu nỗ lực và sự hy sinh vô cùng lớn lao của cán bộ chiến sỹ ở đảo; đồng thời thêm tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước.

Nhiều kiều bào có dịp quay trở lại Trường Sa sau nhiều năm đã thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển vượt bậc của Trường Sa về tổ chức, về cơ sở hạ tầng, về sự phát triển của các công trình nhưng đặc biệt là màu xanh của cuộc sống.

Ngày hôm nay, khi đoàn công tác đến thăm đảo Đá Tây A, chúng tôi thấy màu xanh của đảo và cảm thấy tự hào. Sau những đóng góp của đồng bào cả nước và sự hy sinh của Hải quân, của bộ đội Việt Nam, chúng ta có màu xanh của lá và đấy chính là màu xanh của sự sống. Trường Sa sẽ không chỉ là một tiền tiêu để bảo vệ đất nước mà còn là nơi sinh sống, nơi có tiếng cười của trẻ; nơi sẽ có các dịch vụ kinh tế biển và thực sự là Tổ quốc chúng ta sẽ vươn ra biển. Chúng ta có hơn 300.000 cây số đất liền nhưng chúng ta có ba triệu cây số biển. Chính những nỗ lực phát triển của Trường Sa sẽ giúp cho chúng ta vào thế hệ mai sau sẽ vươn xa hơn, xây dựng một cường quốc và kinh tế biển. Vì thế, kiều bào rất tin tưởng.

Qua các chuyến thăm này, kiều bào lại có được dịp gắn kết với nhau. Kiều bào của chúng ta có hơn 6 triệu người trên hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới. Các nhóm kiều bào không dễ gì mà có sự gắn kết với nhau nhưng trong chuyến thăm này các kiều bào lại có dịp để từ châu Phi có thể gặp châu Âu, châu Á. Không chỉ có gặp nhau, chia sẻ với nhau về công tác của mình, về đời sống của mình mà còn chung tay vì một sự nghiệp.

Chính điều này giúp cho kiều bào càng hiểu nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, yêu thương với nhau hơn và cùng làm được điều vô cùng quan trọng đối với dân tộc ta, đó là tinh thần đoàn kết.

- Thưa ông, hàng năm Việt Nam đều tổ chức các chuyến thăm Trường Sa cho bà con kiều bào. Vậy chuyến đi năm nay có điểm gì mới và kiều bào bao nhiêu nước có được vinh dự này?

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Năm nay, chuyến thăm của kiều bào có sự hiện diện của hơn 60 kiều bào, đại diện cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điểm mới của chuyến thăm năm nay đó là có sự hiện diện của đại diện của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ở trong nước. Ngay trên chuyến tàu, chúng ta đã có dịp để tiếp tục khẳng định tình đoàn kết giữa kiều bào trong nước với kiều bào ngoài nước, giữa kiều bào của tất cả các giới, các ngành, các nghề trong cuộc sống. Đấy là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, trong những nỗ lực hướng về Trường Sa, năm nay cộng đồng có thêm một công trình mới cho Trường Sa - đó là khánh thành công viên Cầu vồng. Công viên Cầu vồng là một sáng kiến do Quỹ Cầu vồng khởi xướng. Đây là sáng kiến do cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc cùng khởi xướng và sau đó nhận được sự tham gia của cộng đồng trên toàn thế giới.

Năm 2024, quỹ này đã xây dựng công viên ở đảo Trường Sa Lớn. Năm nay, chúng ta tiếp tục có được công viên ở đảo Đá Tây A. Đá Tây A đã có trường tiểu học. Đảng và Nhà nước đã lo trường học cho các cháu và kiều bào cũng chung tay góp chỗ cho các cháu vui chơi giải trí. Chúng tôi đang cùng động viên nhau để Quỹ Cầu Vồng sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này và lan tỏa tình yêu thương của cộng đồng ra tất cả các đảo. Đấy là một điểm mới rất đáng chú ý của năm nay.

Thông qua chuyến thăm lần này, chúng tôi đến thăm đảo Trường Sa Lớn. Cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cũng đang tiếp tục nhìn gương của các chiến sỹ hải quân, nhìn gương của trong nước, tiếp tục xây dựng phong trào rèn luyện sức khỏe. Rèn luyện sức khỏe để sống và làm việc tốt hơn, chúng tôi sẽ tham gia bảo vệ tổ quốc và rèn luyện sức khỏe để đoàn kết. Chúng tôi sẽ khai mở một chương trình vận động để bà con rèn luyện sức khỏe thông qua hoạt động chạy, đi bộ và thậm chí nhiều hoạt động thể thao khác ở ngoài nước, để hướng về bảo vệ tổ quốc ở Trường Sa.

Một sáng kiến mới nữa tiếp nối những nỗ lực của quân và dân ở trong nước, đấy là giúp cho đời sống của cán bộ chiến sỹ tốt hơn. Ở Trường Sa có những điểm chỉ là bêtông và đá. Vì thế, kiều bào cũng sẽ cố gắng cùng nhau để cải thiện các khu trồng cây của bộ đội ở những nơi chưa có đất. Bà con kiều bào ở những nơi có nền khoa học phát triển về nông nghiệp, sẽ chung tay góp sức đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về để góp phần cải thiện đời sống xanh của cán bộ. Đấy là một nỗ lực. Chúng ta sẽ tiếp tục làm cho vườn rau của bộ đội xanh sạch đẹp và cải thiện đời sống của bộ đội.

Chiến sỹ đang chăm sóc vườn rau xanh. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Không những thế, chúng tôi muốn noi gương của bộ đội gìn giữ hòa bình của Việt Nam đang ở châu Phi. Không những sang châu Phi để bảo vệ hòa bình, mà còn mang sang châu Phi tinh thần bộ đội vì dân. Bộ đội trồng rau, bộ đội trồng lúa, bộ đội đi làm cống thoát nước trong trường học, đi sửa nhà cho dân. Chúng tôi vô cùng tự hào về tinh thần đó, về hình ảnh của bộ đội cụ Hồ và hình ảnh của dân tộc Việt Nam.

Tôi tự hào khi thấy cộng đồng người Việt Nam ở đâu cũng rất sáng tạo. Chúng tôi hy vọng rằng các chuyến tàu Trường Sa sẽ luôn luôn có những điểm mới.

- Thưa ông, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài có kế hoạch gì trong thời gian tới để giúp cộng đồng kiều bào hiểu, gắn bó và đóng góp nhiều hơn cho Trường Sa nói riêng và chủ quyền đất nước nói chung?

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang phát triển rất nhanh. Nhiều thế hệ kiều bào đã sinh sống nước ngoài hai, ba thế hệ, như là ở Pháp, cũng như nhiều thế hệ đã sống lâu năm ở các nước Đông Âu cũ. Những thế hệ rất trẻ như ở Hàn Quốc, Nhật Bản đang tăng trưởng rất nhanh.

Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao, giao công tác là cầu nối để bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn gắn bó với trong nước, hiểu những niềm vui, những nỗi buồn, lo lắng của đồng bào trong nước. Và ngược lại, hơn 100 triệu đồng bào trong nước luôn luôn hướng về và chăm lo cho hơn 6 triệu đồng bào ngoài nước và toàn thể kiều bào Việt Nam trong ngoài nước, sẽ cùng khẳng định khối đại đoàn kết phấn đấu vì một Việt Nam giàu, mạnh, xã hội công bằng, văn minh và bước vào một kỷ nguyên mới lấy khoa học công nghệ làm nòng cốt để vươn mình, để vượt lên so với cả chính chúng ta.

Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về công tác kiều bào đã thể hiện trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Gần đây nhất là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị để cụ thể hóa các bước đi. Nhưng điểm quan trọng nhất là làm sao kiều bào luôn luôn bắt kịp và đóng góp vào giải quyết các thách thức và nỗ lực của đất nước. Gần đây nhất, chúng tôi rất quan tâm và sẽ ưu tiên đó là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về việc là lấy khoa học công nghệ làm mũi nhọn để đưa đất nước chúng ta vươn mình.

Kiều bào ở nước ngoài có nhiều thế mạnh, một trong những thế mạnh là sáng tạo khoa học. Chúng tôi sẽ tiếp tục động viên phát triển khoa học sáng tạo trong và ngoài nước kết nối để thúc đẩy và tham gia vào quá trình vươn mình của đất nước. Đấy là ưu tiên quan trọng nhất.

Ưu tiên quan trọng thứ hai, dù có chuyển giao giữa các thế hệ và dù có chuyển giao địa bàn sinh sống, kiều bào luôn luôn phải đoàn kết bởi vì chỉ có đoàn kết, chúng ta mới vững mạnh.

Một điều nữa, chúng tôi luôn luôn duy trì việc giữ gìn vốn di sản văn hóa Việt, duy trì tiếng Việt. Bởi chỉ có tiếng Việt và văn hóa Việt mới là chất keo dính mạnh mẽ nhất, bền lâu nhất cộng đồng Việt Nam dù ở khắp nơi trên thế giới. Tôi xin điểm nhấn vào ba trọng tâm của công tác người Việt trong trung hạn và dài hạn.

- Xin cảm ơn ông!