Trung Quốc: Trung tâm tài chính Hong Kong phục hồi sức hấp dẫn
Chỉ số Hang Seng đã tăng 6,5% trong một tuần qua, trong đó đà tăng của các cổ phiếu công nghệ đặc biệt rõ ràng với Alibaba tăng 7,9% và Tencent tăng 6%.
Thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đang có chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ năm 2018. Giới quan sát thị trường cho rằng, đợt bán tháo kéo dài nhiều năm có thể đã kết thúc.
Ngày 3/5, chỉ số Hang Seng đóng cửa tăng 1,39% lên 18.475,92 điểm sau khi có thời điểm tăng hơn 2,2% trước đó cùng phiên. Như vậy, chỉ số này đã kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ 9 liên tiếp.
Chỉ số Hang Seng đã tăng 6,5% trong một tuần qua, trong đó đà tăng của các cổ phiếu công nghệ đặc biệt rõ ràng với Alibaba tăng 7,9% và Tencent tăng 6%.
Bloomberg nhấn mạnh, các chỉ số cơ bản của thị trường chứng khoán Hong Kong đều ở trạng thái tăng trong hai tuần vừa qua.
Báo cáo cho rằng, có nhiều nhân tố đã thúc đẩy dòng tiền Trung Quốc đại lục và các quỹ toàn cầu chảy vào thị trường chứng khoán Hong Kong. Giá cổ phiếu định giá thấp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, cũng như sức hút của đồng HKD được neo theo đồng USD đều đang nâng cao sự nhiệt tình của thị trường.
Trước đó, Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc đã công bố năm biện pháp mới hợp tác với Hong Kong, bao gồm mở rộng và tối ưu hóa hơn nữa cơ chế kết nối chứng khoán Thượng Hải-Thâm Quyến-Hong Kong, ủng hộ các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đến Hong Kong niêm yết. Điều này đã chứng tỏ sự ủng hộ vững chắc của Bắc Kinh đối với việc duy trì địa vị trung tâm tài chính của Hong Kong.
Báo cáo của Bloomberg nhấn mạnh, nếu dòng tiền tiếp tục chảy vào, thị trường chứng khoán Hong Kong sẽ lấy lại sự ổn định sau khi chỉ số Hang Seng lao dốc gần 40% trong bốn năm qua. Do thị trường chứng khoán ảm đạm kéo dài, từng có lúc Hong Kong bị hoài nghi liệu có còn được gọi là trung tâm tài chính quốc tế hay không.
Ông Vey-Sern Ling, Giám đốc điều hành của Union Bancaire Privée (UBP) nhận định, đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Hong Kong trong hai tuần qua có thể sẽ thu hút thêm nhiều dòng tiền chảy vào, vì các nhà đầu tư sợ bỏ lỡ cơ hội. Ngay cả sau khi tăng mạnh, định giá cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc cũng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử.
Một báo cáo ngày 1/5 của các chuyên gia thuộc ngân hàng Bank of America nhấn mạnh, tình hình bị các tổ chức quốc tế nhiều lần hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, dòng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc “ít nhất sẽ qua đi trong năm 2024.”
Tuy nhiên báo cáo cũng nhấn mạnh, các nhân tố như tình hình căng thẳng địa chính trị, dữ liệu vĩ mô yếu kém... vẫn có thể cản trở đà tăng của thị trường./.