Trung Quốc thông qua luật năng lượng mới thúc đẩy trung hòa carbon

Theo các quan chức Trung Quốc, luật năng lượng mới của nước này sẽ “tích cực và kiên trì thúc đẩy nỗ lực đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon.”

Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Thượng Hải (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/11, Trung Quốc đã thông qua luật năng lượng mới nhằm thúc đẩy nỗ lực trung hòa carbon, hướng đến mục tiêu phi carbon hóa nền kinh tế vào năm 2060.

Theo các quan chức Trung Quốc, luật năng lượng mới sẽ “tích cực và kiên trì thúc đẩy nỗ lực đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon.”

Mục tiêu của luật là “phát triển năng lượng chất lượng cao, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon và phát triển bền vững nền kinh tế-xã hội.”

Trung Quốc hiện là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm 27% lượng khí thải carbon của thế giới và 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, nước này cũng là quốc gia đi đầu toàn cầu về năng lượng sạch-xây dựng công suất điện gió và điện mặt trời gần gấp đôi so với tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Trung Quốc đã cam kết đưa lượng khí thải carbon dioxide đạt đỉnh điểm vào cuối thập niên này và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Liên quan đến nỗ lực xanh hóa nền kinh tế Trung Quốc, thị trường xe chở khách sử dụng năng lượng mới của nước này tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong tháng 10 vừa qua, doanh số bán lẻ đạt gần 1,2 triệu chiếc, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,4% so với tháng Chín. Thị phần xe năng lượng mới trên thị trường nội địa cũng tăng lên 50,1%.

Tính đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số xe chở khách năng lượng mới của Trung Quốc đạt 8,33 triệu chiếc, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Về xuất khẩu, Trung Quốc đã xuất xưởng 120.000 xe trong tháng 10, tăng 10,4% so với năm ngoái và tăng 13,7% so với tháng Chín.

Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,09 triệu chiếc, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023./.