Trung Quốc không còn là miền đất hứa của các hãng xa xỉ phẩm quốc tế
Các khách hàng ở phân khúc hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã trở nên kỹ tính hơn trong việc tiêu tiền, cộng thêm với cuộc khủng hoảng trên lĩnh vực bất động sản đã làm giảm niềm tin tiêu dùng.
Những lo ngại về sự suy yếu trong hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc đã đeo bám ngành hàng xa xỉ trong thời gian qua.
Tuần trước, “cơn bão” này đã càn quét kết quả kinh doanh của một trong những thương hiệu thời trang lớn nhất là Gucci.
Kering, tập đoàn Pháp chuyên về các mặt hàng xa xỉ, đã khiến giới đầu tư ngạc nhiên với thông báo ngày 19/3 rằng doanh thu của thương hiệu Gucci đã giảm gần 20% trong quý này, trong đó giảm mạnh nhất là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các khách hàng ở phân khúc hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã trở nên kỹ tính hơn trong việc tiêu tiền vào đâu. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và cuộc khủng hoảng trên lĩnh vực bất động sản đã làm giảm niềm tin tiêu dùng.
Trong khi đó, áp lực giảm phát cũng đang làm dấy lên nhưng lo ngại về tăng trưởng tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này.
Không chỉ Gucci mà các thương hiệu khác cũng chịu tác động từ sự giảm tốc tại Trung Quốc.
Dù các “ông lớn” trong nhánh hàng xa xỉ như Rolex, Hermes, Chanel và Louis Vuitton ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2023 tại Hong Kong (Trung Quốc) - một điểm đến được các tín đồ mua sắm Trung Quốc ưa thích, doanh thu của họ đã chậm lại vào tháng 10/2023.
Bên cạnh đó, giá đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng trong tháng Một đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng hồ Thụy Sỹ là một trong những mặt hàng xa xỉ chịu thiệt nhất trước sự thay đổi trong tâm lý tiêu dùng tại Trung Quốc.
Hiệp hội ngành đồng hồ Thụy Sỹ tuần trước cho biết xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng Hai đã giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Hong Kong giảm 19%.
Tình hình này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Các chuyên gia của ngân hàng HSBC cho biết tình hình nhu cầu ở Trung Quốc đang rất khó khăn, nhưng xu hướng ảm đạm này cũng được ghi nhận tại Hong Kong, Macau và Singapore, vì du khách Trung Quốc, dù tăng lên về số lượng nhưng lại chi tiêu ít hơn nhiều.
Trong bối cảnh này, nhiều thương hiệu có thể buộc phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tăng trưởng doanh thu hàng xa xỉ tại nước này trong năm nay được dự đoán sẽ giảm xuống khoảng 5%, thấp hơn nhiều so với mức 12% trong năm 2023, theo báo cáo của công ty tư vấn Bain & Co.
Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu xa xỉ phẩm đi ngược lại xu hướng này. Prada, chủ sở hữu thương hiệu Miu Miu, ghi nhận doanh số bán lẻ tăng 32% trong quý 4/2023 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản. Hermes International cũng chứng kiến mức tăng trưởng hai chữ số trong cùng quý.
Ông Bruno Lannes, đồng tác giả báo cáo của Bain, cho biết trong các thời kỳ bất ổn, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích các mặt hàng xa xỉ có khả năng giữ giá hơn. Vì thế, các thương hiệu có các sản phẩm như vậy sẽ kinh doanh tốt hơn các thương hiệu bán các mặt hàng theo mùa.
“Gã khổng lồ” mỹ phẩm của Mỹ Estee Lauder, chủ sở hữu các thương hiệu đắt giá như La Mer và Tom Ford, vẫn đang tiếp tục đặt cược lớn tại Trung Quốc vì triển vọng tăng trưởng dài hạn của thị trường này và để tránh bị các thương hiệu nội địa mới nổi lấn át. Tình hình bất ổn này sẽ chấm dứt khi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục đẩy chi tiêu trung bình đầu người lên cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều thương hiệu đang xem xét lại chiến lược tại châu Á và tìm kiếm động lực tăng trưởng ở những nơi khác.
Ông Angelito Perez Tan, Jr, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của RTG Group Asia, cho biết Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông được cho là có tiềm năng lớn trong dài hạn./.