Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, giá các kim loại hiếm tăng vọt
Giá kim loại hiếm tăng mạnh trong năm nay kể từ khi Trung Quốc áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các nguồn tài nguyên quan trọng. Nước này thắt chặt kiểm soát có nguy cơ sẽ đẩy giá lên cao hơn.
Giá kim loại hiếm đã tăng mạnh trong năm nay kể từ khi Trung Quốc áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các nguồn tài nguyên quan trọng. Nước này thắt chặt kiểm soát có nguy cơ sẽ đẩy giá lên cao hơn.
Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành cấp giấy phép xuất khẩu antimon, một loại khoáng sản thường được sử dụng làm chất chống cháy trong xe cộ và thiết bị điện tử. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9.
Đại diện tại một nhà sản xuất sản phẩm antimon cho biết họ không lường trước được việc kim loại này sẽ phải chịu lệnh hạn chế xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, nhu cầu về antimon ngày càng tăng khi nó là vật liệu để tăng độ trong suốt cho kính phủ pin Mặt trời. Giá antimon giao ngay tại thị trường châu Âu đã nhiều lần chạm mức cao kỷ lục mới.
Đặc biệt, sau khi Trung Quốc công bố lệnh hạn chế xuất khẩu, giá antimon đã tăng hơn 5% lên 25.000 USD/tấn, gấp đôi so với mức 12.000 USD/tấn vào cuối năm ngoái.
Xu hướng này trái ngược với giá đất hiếm, vốn đã giảm mạnh khi Trung Quốc tăng cường sản xuất.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc nắm giữ thị phần lớn nhất trong hoạt động sản xuất antimon toàn cầu, ở mức 48%. Myanmar và Nga là những nhà sản xuất chủ chốt khác của loại khoáng sản này, nhưng xung đột nội bộ và lệnh trừng phạt đã gây ra mối lo ngại về nguồn cung từ hai nước trên.
Hiện mối lo này ngày càng lớn khi xuất hiện thêm những câu hỏi xung quanh nguồn cung của Trung Quốc.
Một nhà sản xuất antimon cho hay hoạt động tích trữ kim loại này có khả năng sẽ tăng cao hơn trước khi các lệnh hạn chế có hiệu lực. Theo nhà sản xuất này, giá antimon tuy đã ở mức cao kỷ lục nhưng vẫn có thể tăng cao hơn nữa.
Hồi tháng 7/2023, Chính phủ Trung Quốc đã công bố kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu kim loại hiếm. Gallium, germanium và các kim loại hợp chất liên quan được sử dụng trong vật liệu bán dẫn bắt đầu được yêu cầu phải có giấy phép xuất khẩu vào tháng sau.
Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng gallium và giá quốc tế đã tăng vọt do lo ngại về nguồn cung. Xuất khẩu gallium của Trung Quốc đã được nối lại vào tháng 10/2023 sau khi hoạt động này được cấp giấy phép.
Nhưng dù khối lượng xuất khẩu đang phục hồi, giá vẫn ở mức cao do khả năng các hạn chế sẽ lại được thắt chặt.
Theo công ty chuyên về thông tin thị trường hàng hóa Argus Media, tính tới ngày 27/8, giá chuẩn cho gallium xuất khẩu sang các thị trường phương Tây là 525 USD/kg, tăng 86% so với cuối tháng 6/2023.
Ngoài gallium và antimon, nhiều loại khoáng sản khác cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung của Trung Quốc.
Chúng bao gồm vonfram được sử dụng trong các công cụ carbide, magiê dùng làm phụ gia cho hợp kim nhôm và đất hiếm được sử dụng trong nam châm hiệu suất cao cho động cơ xe điện.
Một công ty kinh doanh kim loại hiếm cho biết, nhiều bên liên quan đang lo ngại trước khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi hàng hóa chịu hạn chế xuất khẩu trong thời gian tới./.