Trung Quốc: Bảo tàng Cố Cung trưng bày tác phẩm được tạo ra từ chất thải thừa
Các sản phẩm được tạo ra từ những chất thải còn sót lại trong quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của bảo tàng, như sợi chỉ thừa, giấy vụn và mảnh gỗ.
Bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc), nằm trong Tử Cấm Thành, vừa ra mắt một triển lãm đặc biệt thể hiện cam kết mạnh mẽ với sự phát triển bền vững. Triển lãm trưng bày hàng loạt sản phẩm sáng tạo được chế tác từ những vật liệu tái chế nhằm khuyến khích lối sống "không rác thải."
Với hơn 40 sản phẩm độc đáo và thân thiện với môi trường, triển lãm không chỉ là một buổi trưng bày đơn thuần mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về việc tái chế và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Các sản phẩm này được tạo ra từ những chất thải còn sót lại trong quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của bảo tàng, như sợi chỉ thừa, giấy vụn và mảnh gỗ. Ngoài ra, các vật liệu tái chế còn có rác thải nông nghiệp như rơm, trấu và thân cây trà, chai nhựa, hay thậm chí là lá và cành cây rụng được thu thập trong khuôn viên bảo tàng.
Mục đích của cuộc triển lãm là thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải, tăng cường tái chế và xử lý an toàn các nguyên vật liệu, đồng thời khuyến khích sử dụng các vật liệu thải ra để tạo nên các sản phẩm sáng tạo và bền vững.
Việc tổ chức triển lãm này là một phần trong sáng kiến "không chất thải" mà Bảo tàng Cố Cung đã khởi động từ năm 2020, tập trung vào việc phân loại rác thải nhằm giảm lượng rác cần chôn hoặc đốt từ các văn phòng và nơi tham quan.
Từ tháng 6/2021 đến tháng 10/2023, bảo tàng đã tái chế hơn 32.000 chai nhựa để tạo ra các sản phẩm mang đậm chất văn hóa và sáng tạo, tương đương với việc giảm hơn 930 kg khí thải carbon./.