Trùng Khánh và TP Hồ Chí Minh thúc đẩy hợp tác Hành lang Đất liền-Biển mới
TP Hồ Chí Minh-Trùng Khánh hợp tác phát triển hành lang đất liền-biển mới là một tín hiệu tích cực, giúp hoạt động logistics hàng hóa xuất nhập khẩu 2 thành phố càng thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn...
Ngày 24/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác hành lang thương mại đường bộ-đường biển quốc tế mới Trùng Khánh của Trung Quốc và Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Việt Nam.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mối quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, vào tháng Tám vừa qua, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.
Theo ông Võ Văn Hoan, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước.
Với dân số gần 10 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là một thị trường rộng lớn, hết sức tiềm năng cho doanh nghiệp. Đây cũng là thành phố đóng vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng của Khu vực Đông Nam Bộ; được trang bị đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không hiện đại, thuận lợi để kết nối tốt hơn với mạng lưới logistics, thương mại trong khu vực và quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có kế hoạch xây dựng Đề án "Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành Trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực" và Khu phi thuế quan tại huyện Cần Giờ; đón đầu các chuỗi cung ứng, hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực.
"Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, là trung tâm kinh tế chiến lược khu vực Tây Nam Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và con đường" cũng như Vành đai Kinh tế sông Dương Tử.
Với hệ thống giao thông phát triển và kết nối chặt chẽ, Trùng Khánh là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển hợp tác kinh tế giữa hai bên. Hội nghị xúc tiến hợp tác này đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ kinh tế giữa Trùng Khánh và Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó giúp giảm chi phí vận tải, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp," ông Võ Văn Hoan thông tin thêm.
Ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng Thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, cho biết Trùng Khánh có lợi thế tự nhiên về vận tải liên vận bốn phương thức như đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Đây cũng là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc khai thác chuyến tàu chở hàng Trung-Âu và con đường mới trên đất liền và biển phía Tây, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc phát triển khu vực của Trung Quốc và mở cửa ra thế giới bên ngoài.
Trong những năm gần đây, Trùng Khánh đã phát huy đầy đủ vai trò là trung tâm tổ chức vận tải và logistics, kết nối các tỉnh khu vực phía Tây Trung Quốc và các nước Asean; phía Bắc kết nối với thị trường lớn ở châu Âu thông qua chuyến tàu Trung-Âu; phía Nam mở rộng ra thị trường Đông Nam Á, thúc đẩy con đường trở thành một đại lộ quốc tế toàn diện.
Hiện nay, Hành lang Đất liền-Biển mới đã hình thành ba mô hình tổ chức logistics chính gồm chuyến tàu liên vận đường sắt-đường biển, xe chuyến xuyên biên giới và chuyến tàu liên vận quốc tế, kết nối trong nội địa với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) Trung Quốc, đồng thời tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Ông Trịnh Hướng Đông cho rằng Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển. Ba mô hình tổ chức logistics của hành lang này đều kết nối một cách hữu cơ với Việt Nam, cung cấp một nền tảng mới để thúc đẩy hợp tác cùng thắng giữa Việt Nam và phía Tây Trung Quốc và cả châu Âu.
Con đường này giúp tăng cường đáng kể tính kịp thời trong trao đổi kinh tế và thương mại giữa phía Tây Trung Quốc và các nước ASEAN như Việt Nam, đồng thời chia sẻ thị trường lớn Á-Âu. Các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như gạo, càphê, cao su tự nhiên và trái cây có thể được vận chuyển qua con đường đến Trùng Khánh, phân phối tới các khu vực nội địa của Trung Quốc và châu Âu.
Đại diện công ty NLS (Trung Quốc) thông tin, Hành lang Đất liền-Biển mới là tên viết tắt của "Hành lang thương mại Đất liền-Biển quốc tế mới" nằm ở vùng nội địa phía Tây Trung Quốc, phía Bắc kết nối với vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, phía Nam kết nối với Con đường tơ lụa trên biển và Vành đai kinh tế sông Dương Tử để nối đất liền với đại dương.
Việc xây dựng hành lang mở nhằm kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực; trong đó, Trùng Khánh đóng vai trò trung tâm tổ chức vận hành và logistics hành lang; Quảng Tây là cảng cửa ngõ quốc tế Vịnh Bắc Bộ; Thành Đô là trung tâm thương mại và logistics quan trọng quốc gia và Hải Nam là cảng trung chuyển container quốc tế cho khu vực.
Theo đó, khi các thành phố, quốc gia đối tác tham gia hợp tác Hành lang Đất liền-Biển mới cũng đồng nghĩa sẽ tham gia vào hệ sinh thái thương mại-logistics chuyên nghiệp của khu vực. Qua đó, thúc đẩy chia sẻ nguồn tài chính, dữ liệu, nâng cao năng lực sản xuất quốc tế và gia tăng đổi mới theo hướng thông minh hơn, xanh hơn.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản Việt Nam chia sẻ Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nông sản Việt Nam; trong đó thành phố Trùng Khánh được biết đến là trung tâm thương mại, logistics phát triển, đầu mối phân phối hàng hóa đi các tỉnh/ thành nội địa Trung Quốc và cả khu vực châu Âu.
Việc Thành phố Hồ Chí Minh và Trùng Khánh hợp tác phát triển hành lang đất liền-biển mới là một tín hiệu tích cực, giúp hoạt động logistics hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai thành phố càng thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp./.