Trưng bày 'Thắp ngọn lửa hồng': Hé lộ tình yêu cao cả của các chiến sỹ cách mạng
Trưng bày 'Thắp ngọn lửa hồng' hé lộ câu chuyện xúc động về tình yêu của các chiến sỹ cách mạng, qua đó nêu lên sự hy sinh cao cả của họ cho độc lập, tự do dân tộc.
Ngày 9/7, trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” khai mạc tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hé lộ câu chuyện tình yêu bất tử của các chiến sỹ cách mạng, trong đó có vợ chồng Tổng Bí thư Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai.
Họ đã dành cả cuộc đời để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, đem lại tự do, độc lập cho dân tộc. Trên hành trình ấy, họ đã gặp và chia sẻ cho nhau tình yêu, sự gắn bó của hai tâm hồn cùng chung một nhịp, hai ý chí có cùng một quyết tâm…
Ngày 28/8/1941, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định, cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần... Trước ngày ra pháp trường, bà viết thư vĩnh biệt chồng: "Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy."
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, biết bao người chiến sỹ đã nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc riêng tư cho Độc lập-Tự do. Mặc dù bị đọa đày nơi ngục tối, những người con trung hiếu luôn kiên gan bền chí trước các trận đòn tra tấn thấu xương, luôn sáng mãi niềm tin về thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù. Đây là sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2024).
Trưng bày được thể hiện qua 3 nội dung: Tiếng súng mở đầu, Trọn một lời thề và Dấu xưa vang mãi.
Trưng bày bắt đầu với bối cảnh thành lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ. Ngày 22/9/1940, quân Nhật tiến công Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ vào Đồ Sơn. Chống cự yếu ớt, quân Pháp đã nhanh chóng đầu hàng. Không khuất phục trước kẻ thù, ba cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở ba miền Bắc, Trung, Nam là khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), binh biến Đô Lương (1/1941). Đây chính là những “tiếng súng mở đầu” cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc.
Sau thất bại của những cuộc khởi nghĩa, đặc biệt là khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp người dân, dựng trường bắn và xử tử hình nhiều lãnh đạo của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai… Dù bị tra tấn, đày ải trong lao tù, những người con ưu tú vẫn giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần đấu tranh kiên cường. Ở nơi trường bắn, các chiến sỹ vẫn hiên ngang, bất khuất, “trọn một lời thề” với lý tưởng cách mạng.
Nội dung thứ ba “Dấu xưa vang mãi” tái hiện những địa danh lịch sử, nơi kẻ địch từng dựng trường bắn và nhà lưu niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của Đảng, giờ đây đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ.
Trưng bày diễn ra đến ngày 15/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.