Trưng bày nhiều cổ vật, hiện vật mang đậm phong cách tạo tác thời Lý-Trần
Các hiện vật được trưng bày tại Bắc Giang là cổ vật tiêu biểu, đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sành, gốm, sứ… mang đậm phong cách tạo tác thời Lý-Trần được sưu tầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu thời Lý-Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang," “Thơ văn Lý-Trần qua thư pháp” và “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử."
Trưng bày là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024.
Ban Tổ chức trưng bày 60 hiện vật là cổ vật tiêu biểu, đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sành, gốm, sứ… mang đậm phong cách tạo tác thời Lý-Trần được sưu tầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua; cùng 40 hình ảnh, 50 hiện vật lựa chọn từ 8 điểm khai quật khảo cổ thực hiện trong thời gian qua.
Ngoài ra, Ban Tổ chức trưng bày và trình diễn thư pháp Hán-Nôm về các tác phẩm văn học diễn tả cảm xúc, tư tưởng sâu sắc của vị Hoàng đế được mệnh danh là Thiền sư-thi sỹ Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, một môn nghệ thuật hấp dẫn của người Việt từ bao đời nay.
Ban Tổ chức trưng bày hệ thống một số di tích lịch sử tiêu biểu bên sườn Tây Yên Tử, nằm trên 8 tuyến điểm du lịch Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc lâm Yên Tử, những dấu ấn Phật giáo Trúc lâm Yên Tử còn lưu lại ở các văn bia, di vật phát hiện qua cuộc khảo sát, điều tra khai quật khảo cổ học tại những di tích như Chùa Vĩnh Nghiêm, hệ thống các Chùa Yên Mã, Hòn Tháp, Bình Long, Hồ Bấc, Đám Trì...
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm, nhấn mạnh văn hóa thời Lý-Trần trên địa bàn tỉnh thể hiện ở dấu tích kiến trúc cư trú, dinh thự, kiến trúc quân sự, đặc biệt kiến trúc tôn giáo thể hiện qua hàng loạt di tích liên quan chặt chẽ tới quá trình hình thành, hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được các vị Sư Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm lớn như Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên, Mã Yên, Hồ Bấc…
Về văn hóa phi vật thể, giá trị Di sản Văn hóa Lý-Trần được thể hiện ở các hình thức như tư tưởng chính trị, văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thông qua cuộc trưng bày nhằm tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ hơn giá trị các Di sản Văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh và những tư tưởng sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó, góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm này và mai sau; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.
Đồng thời quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử" theo dấu chân Phật hoàng; từng bước thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách.
Dịp này, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Câu lạc bộ Thư pháp Viện nghiên cứu Hán-Nôm tổ chức trình diễn viết và trưng bày thư pháp "Thơ văn Lý-Trần qua thư pháp"./.