Trong ba năm, tỉnh An Giang có gần 32.900 hộ thoát nghèo

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 20.100 hộ nghèo, chiếm 3,82% số hộ; có gần 31.300 hộ cận nghèo, chiếm 5,93% số hộ toàn tỉnh.

Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ con nước mới tràn đồng, đặt vó đánh bắt cá trên kênh Tha La. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 16/8, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cùng đoàn công tác đã kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách, xã hội tại tỉnh An Giang.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 20.100 hộ nghèo, chiếm 3,82% số hộ; có gần 31.300 hộ cận nghèo, chiếm 5,93% số hộ toàn tỉnh.

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh có gần 32.900 hộ thoát nghèo. Hiện An Giang chỉ còn huyện Tri Tôn thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang đang thực hiện giao dịch tại 156 điểm giao dịch ở 156 xã, phường, thị trấn; thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng.

Tính đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách gần 3.990 tỷ đồng. Bảy tháng của năm 2022, doanh số cho vay tại An Giang đạt trên 771 tỷ đồng, doanh số thu nợ gần 476 tỷ đồng.

Số khách hàng còn dư nợ gần 146.700 khách hàng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng gần 3.975 tỷ đồng. Hiện tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao vốn đạt 97,9% kế hoạch.

Năm 2021 chất lượng tín dụng chính sách tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang đạt loại khá, có 2/11 phòng giao dịch xếp loại tốt, 8/11 phòng giao dịch xếp loại khá, một phòng xếp loại trung bình. Trong bảy tháng của năm 2022, chất lượng tín dụng chính sách tại chi nhánh xếp loại tốt; có 9/11 phòng giao dịch xếp loại tốt, hai phòng xếp loại khá.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thế Loan - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn.

[Kiên Giang: Đồng bào dân tộc Khmer nỗ lực vươn lên thoát nghèo]

Nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được Trung ương giao và ủy ban nhân dân các cấp bổ sung không đủ đáp ứng được nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“Một bộ phận người nông dân nghèo thiếu tư liệu sản xuất, đi làm thuê ở các đô thị, các khu công nghiệp; nhiều học sinh, sinh viên vay vốn khi ra trường chưa có việc làm hoặc đi làm xa không có ý thức trả nợ; chương trình cho vay mua nhà trả chậm trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ không có khả năng trả nợ khi đến hạn. Một bộ phận người dân chưa có ý thức vươn lên trong cuộc sống, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không có ý thức tiết kiệm, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng...,” ông Loan thông tin.

Ông Trần Thế Loan cho biết, thời gian tới, Chi nhánh tập trung làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, triển khai giải ngân kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng và hoàn thành 100% các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng; tập trung triển khai nhanh, đúng quy định các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ việc làm; nâng mức cho vay đối với công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 20 triệu lên 25 triệu đồng/công trình.

Đại diện các sở, ban, ngành An Giang cũng đề nghị Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp thêm nguồn ủy thác cho các hộ dân vay hoạt động sản xuất; tăng nguồn vốn vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường...

Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ hái bông súng đồng kiếm thêm thu nhập vào mùa nước nổi. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ông Lương Quốc Đoàn đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh An Giang tiếp tục quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng quản trị để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội về cơ sở vật chất, cân đối ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Lương Quốc Đoàn lưu ý, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về tín dụng chính sách đến người dân, gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, tiếp tục phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đôn đốc, xử lý, thu hồi nợ quá hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức hội cấp dưới; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác...

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19./.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)