Trịnh Thị Bích Như: Nghị lực phi thường trên đường đua xanh
Từ một cô gái liệt hoàn toàn 2 chi dưới lóng ngóng xuống nước trong trang phục quần dài, cô chỉ cần một thời gian ngắn để chứng tỏ khả năng vượt khó và sự phù hợp đặc biệt với “đường đua xanh.”
Tự tin, bản lĩnh, quyết tâm… đó là những từ ngữ có thể dùng để miêu tả Trịnh Thị Bích Như-“kình ngư” vừa khiến tất cả mọi người bất ngờ và không khỏi thán phục với những thành tích đáng nể tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).
Tuy nhiên, đằng sau cô gái vui vẻ, đôi mắt ánh lên đầy vẻ lạc quan ấy là một nghị lực phi thường, để có thể vượt qua những chuỗi ngày khó khăn, chán nản đến cùng cực.
Tại ASEAN Para Games 12, Trịnh Thị Bích Như khiến ai nấy đều phải choáng ngợp khi cô cứ xuống nước là “lấy Vàng,” Cả 5 lần thi đấu ở nội dung cá nhân hạng thương tật SB5/S6 là 5 lần nữ vận động viên mang về huy chương Vàng cho đoàn Việt Nam.
Đồng thời, cô cũng xác lập được 3 kỷ lục mới tại ASEAN Para Games ở các nội dung bơi bướm 50m với thành tích 41 giây 50, bơi tự do 100m với 1 phút 23 giây 77 và 1 phút 51 giây 77 ở nội dung 100m Bơi Ếch.
Trịnh Thị Bích Như là Vận động viên có thành tích cá nhân tốt nhất của Đội tuyển Bơi của Việt Nam tham dự ASEAN Para Games lần này, với 5 huy chương Vàng và 3 kỷ lục mới được xác lập.
Ngày 7/6 có lẽ là ngày thi đấu ấn tượng nhất của Trịnh Thị Bích Như khi cô lập “hat-trick” huy chương Vàng. Chỉ trong vòng 6 giờ diễn ra 3 nội dung thi đấu với những cự ly khác nhau, dù vậy tình huống đó vẫn không làm khó được Bích Như.
Nữ Vận động viên đã vượt qua mọi giới hạn bằng tài năng và lòng kiên định, quả cảm để làm đầy “bộ sưu tập” huy chương cho đoàn thể thao nước nhà, song đây có lẽ cũng chính là “món quà” mà Bích Như tự tặng chính bản thân mình, cho những nỗ lực to lớn mà cô đã bỏ ra để vươn tới ngày hôm nay.
Chính Bích Như cũng bất ngờ với thành tích mà mình đạt được tại đại hội lần này. Trước khi tham dự ASEAN Para Games 12, Vận động viên quê ở Kiên Giang chia sẻ về mục tiêu của mình tại đại hội lần này: “Kỳ trước em giành 2 huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục thì năm nay em sẽ cố gắng giữ được thành tích đó.”
Tự tin nhưng khiêm tốn, Bích Như thật lòng chia sẻ rằng cô khá sốc và chịu sức ép tâm lý khi phải thi đấu liên tiếp nhiều nội dung và cự ly như vậy. Do đó, thành quả đạt được sau những cố gắng và quyết tâm khiến cô không khỏi xúc động và tự hào.
Trịnh Thị Bích Như là minh chứng cho thấy khó khăn và thử thách không thể quật ngã bất kỳ ai nếu bạn nỗ lực và luôn giữ vững quyết tâm vượt qua chính bản thân mình và mọi nghịch cảnh.
Với Như, những nỗ lực mà cô bỏ ra còn lớn hơn gấp nhiều lần người bình thường, khi cô không chỉ phải cố gắng rất nhiều trên “đường đua xanh,” mà cả trên đường đời. Vượt qua những mặc cảm khuyết tật, thành tích của Trịnh Thị Bích Như ở đường đua và đường đời không khỏi khiến người khác phải khâm phục.
Chọn theo sự nghiệp thể thao chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kỳ ai, đặc biệt là với người khuyết tật. Tuy nhiên, với họ, thể thao không chỉ là đam mê, mà còn lẽ sống, là cứu cánh cho cuộc đời có phần kém may mắn của mình. Bích Như cũng vậy, số phận kém may mắn có lẽ đã tôi luyện cô trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh, không bỏ cuộc.
Hành trình vượt lên số phận
Sinh năm 1985 tại Kiên Giang, Trịnh Thị Bích Như vốn là một cô bé lành lặn như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, năm lên 3, một cú ngã tai ác khiến Như lên cơn sốt cao.
Trận sốt đã khiến đôi chân của Như teo tóp rồi bại liệt. Kể từ ngày đó, mọi sinh hoạt của Như đều cần đến sự trợ giúp của cha mẹ. Như dần phải quen với cảm giác ngồi yên một chỗ mỗi khi cha mẹ đi làm.
Dù vậy, tính cách kiên cường, không khuất phục trước số phận đã bộc lộ ở cô bé Bích Như ngày nào, khi cô học bơi để thuyết phục cha cho mình tự chèo xuồng đi học. Dù lòng đầy lo lắng nhưng chứng kiến nghị lực của con gái, cũng muốn con biết cái chữ, cha cô đã đồng ý cho cô tự đi học.
Tuy vậy, cuộc sống không bao giờ dễ dàng, đặc biệt là với một người khuyết tật. Hết lớp 5, Bích Như phải nghỉ học do trường cấp 2 xa nhà. Thế nhưng, cô gái vẫn kiên quyết không “an phận” khi bắt đầu tìm kiếm các công việc làm thêm để phụ giúp cha mẹ.
Cô xin đi đan lục bình với số tiền công vô cùng ít ỏi. Những tưởng cuộc sống ấy sẽ theo Bích Như cả cuộc đời, nhưng rồi cô quyết định lên Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp và tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Ban đầu vấp phải sự phản đối của gia đình, nhưng ý chí mãnh liệt của Bích Như một lần nữa lại thuyết phục được cha mẹ, và vào một ngày năm 2008, cô gái 23 tuổi quả cảm đã một mình lên Thành phố Hồ Chí Minh với hành trang ít ỏi.
[Trịnh Thị Bích Như đem về một tấm HCV cho Đội tuyển Bơi Việt Nam]
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bích Như theo học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ, Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh.
Suốt bao nhiêu năm đi học rồi đi làm là bấy nhiêu năm Trịnh Thị Bích Như sống dưới ánh mắt nghi ngại của những người xung quanh, sống trong mặc cảm và tự ti. Đã có những lúc cô cảm thấy buồn tủi, tuyệt vọng và bế tắc.
Bích Như chia sẻ là một người khuyết tật, đã có khoảnh khắc cô nghĩ mình “không thể làm gì cả”, thế nhưng động lực vẫn luôn thôi thúc cô phải luôn luôn cố gắng. Và rồi, một cơ duyên đến với Bích Như và có lẽ đó cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời cô, một cơ duyên mang tên: Bơi.
Trở thành nhà vô địch bơi lội
Khi tinh thần của Như cũng phần nào càng bị lung lay bởi nhiều “đồng đội” đã phải bỏ về quê an phận, cô được một người bạn rủ đến lớp bơi người khuyết tật học bơi.
Lúc đầu Như cũng chỉ xác định học bơi cho khỏe và thử sức mình, song chỉ sau mấy buổi xuống nước, đặc biệt qua tiếp xúc với người thầy Đổng Quốc Cường, cô đã hiểu rằng đây là một cơ hội có một không hai cho mình.
Và rồi, Như đã lao vào tập luyện hết mình, cho dù mất tới mấy tháng đầu vì mặc cảm với đôi chân teo tóp nên chỉ bơi với bộ trang phục bơi là quần dài. Cô sẵn sàng dốc hết số tiền tích lũy, dốc hết sức mình lo cho nghiệp bơi, thậm chí còn thuê hẳn một phòng trọ ở gần hồ bơi để thuận lợi cho việc tập luyện.
Từ một cô gái liệt hoàn toàn 2 chi dưới lóng ngóng xuống nước trong trang phục quần dài, cô chỉ cần một thời gian ngắn để chứng tỏ khả năng vượt khó và sự phù hợp đặc biệt với “đường đua xanh.”
Ngay tại cuộc đấu đầu tiên ở Giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc 2010, tức chưa đầy nửa năm bén duyên bơi, Như đã đoạt liền 1 huy chương Vàng và 2 huy chương Bạc. Cũng chỉ sau đó vài tháng, Như đã có huy chương Vàng tại ASEAN Para Games 2011.
Qua 5 năm với những bước thăng tiến ngoạn mục, cô gái với nội lực bền bỉ đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu châu lục ở hạng thương tật SB5. Đến năm 2015, Như đã làm nên lịch sử với tấm huy chương Bạc đầu tiên của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam ở cấp độ thế giới. Thông số 1 phút 57 giây 14 của Như ngang ngửa mức huy chương Bạc Paralympic.
Giờ đây, cuộc sống của Như đã bớt cơ cực nhưng với cô gái đầy nghị lực này, những ngày tháng qua đi là kỷ niệm hằn sâu, để cô cố gắng vươn lên từ nghịch cảnh.
Ngay sau khi nhận được chiếc huy chương Vàng thứ 5 tại ASEAN Paran Games 12, chia sẻ cùng phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Trịnh Thị Bích Như bày tỏ vô cùng xúc động và hạnh phúc khi lần đầu tiên giành được 5 huy chương Vàng cùng 3 kỷ lục mới tại đại hội thể thao khu vực.
Nhìn lại hành trình vượt qua nghịch cảnh đầy thăng trầm của cô gái này, chúng ta phần nào đồng cảm với cảm xúc của nữ Vận động viên.
Để có được ngày hôm nay, Trịnh Thị Bích Như đã phải nỗ lực hết mình, vượt qua bản thân với ý chí không ngừng cố gắng vươn lên. Thành tích ấn tượng tại ASEAN Para Games 12 quả là “quả ngọt” sau những nghị lực phi thường của Bích Như, cũng như là một lời động viên giúp người khuyết tật luôn cố gắng trong cuộc sống.
Trong thời gian tới, Bích Như sẽ tham dự giải vô địch thế giới vào cuối tháng 7 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Para Games) tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Trịnh Thị Bích Như bày tỏ cô sẽ luôn giữ vững tinh thần quyết tâm, cố gắng thi đấu hết mình để mang về những thành tích tốt nhất không chỉ cho nước nhà mà cho cả bản thân.
Trịnh Thị Bích Như mong muốn gửi một thông điệp tới những người khuyết tật: “Đối với những người khuyết tật thiệt thòi giống như chúng em, hoàn cảnh vốn đã thiệt thòi, hy vọng các bạn sẽ cố gắng hơn nữa, các bạn sẽ có được thành công.”
Nhưng có lẽ chính bản thân Như, câu chuyện nghị lực phi thường của Như là nguồn cảm hứng, động lực to lớn đối với tất cả những người khuyết tật.
Trịnh Thị Bích Như thật sự là một "cô gái Vàng” của Đội tuyển Bơi Người Khuyết tật Việt Nam - một “nhà sưu tập” huy chương Vàng, một ý chí, trái tim “Vàng” đầy mạnh mẽ và quả cảm./.