Triển vọng ổn định tài chính của Eurozone đã cải thiện nhưng vẫn mong manh
Trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính 6 tháng một lần, ECB cho rằng các điều kiện kinh tế của Eurozone đã cải thiện so với 6 tháng trước, song triển vọng vẫn còn mong manh.
Căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về đường hướng chính sách kinh tế trong năm 2024 đã và đang tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đây là nhận định mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra ngày 16/5.
Trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính 6 tháng một lần, ECB cho rằng các điều kiện kinh tế đã cải thiện so với bản đánh giá 6 tháng trước đây, song triển vọng vẫn còn mong manh.
Theo Phó Chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, rủi ro suy thoái nặng nề trong ngắn hạn cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã giảm đáng kể vào thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, đánh giá về sự ổn định tài chính cách đây 6 tháng cho thấy vấn đề thất nghiệp gia tăng là mối quan ngại lớn của nhiều nước khu vực.
Theo ECB, sự cải thiện nói trên là nhờ lạm phát của Eurozone đang có chiều hướng giảm, ở mức 2,4% trong tháng Tư vừa qua, gần với mức mục tiêu 2% do thể chế tài chính có trụ sở ở Frankfurt (Đức) đặt ra.
Bên cạnh đó, một nhân tố khác thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư là khả năng ECB se sớm cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ông Luis de Guindos cảnh báo viễn cảnh phát triển kinh tế vẫn mong manh, cho rằng căng thẳng địa chính trị với các cuộc xung đột trên thế giới đang diễn ra hiện nay không chỉ tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Eurozone mà còn với cả sự ổn định tài chính toàn cầu.
Trong báo cáo của mình, ECB lưu ý sự gia tăng căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, làm gia tăng lạm phát và bào mòn niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, giới hoạch định chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn về đường hướng chính sách, trong bối cảnh hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024.
Báo cáo cũng lưu ý các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục đè nặng lên nhóm các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ dễ bị tổn thương hơn trong Eurozone. Thị trường bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, cũng tiếp tục bị suy thoái.
Trong báo cáo mùa Xuân mà Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 15/5, nền kinh tế Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm 2024, như dự báo được đưa ra hồi tháng Hai.
Lạm phát của Eurozone trong năm 2024 dự kiến sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống 2,5% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, so với dự báo trước đây lần lượt là 2,7% và 2,2%.
Báo cáo này cũng cảnh báo kinh tế Eurozone vẫn đối mặt với nhiều rủi ro do những căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine và tại Gaza./.