Triển vọng mong manh về thỏa thuận ngừng bắn trên Dải Gaza
Đàm phán ngừng bắn sẽ được nối lại trong tuần tới, song một khi các bên vẫn giữ quan điểm cứng rắn "không nhượng bộ, không thỏa hiệp," thì triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn vẫn khá mong manh.
Vòng đàm phán tại Cairo (Ai Cập) nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần trước tháng lễ Ramadan của các tín đồ Hồi giáo đã tạm khép lại mà không đạt được tiến triển đáng kể nào.
Mặc dù đại diện Phong trào Hồi giáo Hamas cam kết tiếp tục đàm phán thông qua các nhà hòa giải để có thể tiến tới lệnh ngừng bắn tạm thời, giới phân tích nhận định các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Gaza đang đứng trước nhiều thách thức.
Các nhà hòa giải từ Ai Cập, Mỹ và Qatar đã phải chạy đua với thời gian để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn trước tháng lễ Ramadan, bắt đầu vào ngày 10/3 hoặc ngày 11/3 tùy thuộc vào thời điểm Mặt Trăng được quan sát thấy.
Đàm phán diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua giữa Israel và Hamas đã gây ra thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Dải Gaza.
Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói ở Dải Gaza là "gần như không thể tránh khỏi," đặc biệt tỷ lệ tử vong của trẻ em và trẻ sơ sinh có thể sẽ tăng chóng mặt nếu thực phẩm và vật tư y tế không được chuyển tới đây ngay lập tức.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi Giám đốc UNICEF phụ trách Trung Đông và Bắc Phi Adele Khodr cho biết cứ 6 trẻ dưới 2 tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Các cuộc không kích và ném bom dữ dội của Israel cũng như giao tranh trên bộ đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn 60% nhà cửa ở Gaza và khiến 85% dân số ở dải đất này phải sơ tán.
Cơ quan y tế tại Gaza cho biết ít nhất 30.800 người đã thiệt mạng vì xung đột. Phía Israel thông báo khoảng 1.200 người ở Israel thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt cóc. Thực tế này đã nêu bật tính cấp bách của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức.
Cuộc đàm phán tại Cairo là vòng mới nhất trong chuỗi đàm phán được các nhà hòa giải thúc đẩy tại Paris (Pháp), Doha (Qatar) và thành phố Ramallah của Palestine trong 3 tháng qua để tìm kiếm lệnh ngừng bắn mới và thúc đẩy thỏa thuận trao đổi con tin giữa Hamas và Israel.
Lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian hồi cuối tháng 11 năm ngoái đã chứng kiến Hamas thả khoảng 100 con tin Israel để đổi lấy tự do của hơn 200 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Tiến trình đàm phán tại Cairo kéo dài 5 ngày, song dấu hiệu đầu tiên báo trước một kết quả không như mong đợi đã xuất hiện khi phái đoàn Israel có động thái "tẩy chay" đàm phán, không tới Cairo với lý do Hamas từ chối cung cấp danh sách các con tin còn sống.
Trong các cuộc đàm phán trước đây, lực lượng Hamas đã nhiều lần tránh thảo luận về tình trạng an toàn của từng con tin cho đến khi các điều khoản trả tự do cho các tù nhân Palestine bị giam giữ được ấn định.
Theo thông báo của các nhà trung gian đàm phán, về cơ bản, Israel và Hamas nhất trí với thoả thuận khung, bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, trao đổi con tin và tạo điều kiện cho việc tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, theo đề xuất của Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Bên cạnh đó, dự thảo thỏa thuận còn có các điều khoản liên quan đến việc rút các lực lượng Israel ra khỏi Dải Gaza, tái thiết Gaza sau chiến tranh và cho phép hàng trăm nghìn người Palestine vốn phải di tản xuống phía Nam Gaza do xung đột được trở về nhà ở Bắc Gaza.
Cũng theo các đề xuất, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ bắt đầu ngay khi lệnh ngừng bắn tạm thời có hiệu lực.
Dưới áp lực của cả Mỹ và châu Âu, Israel đồng ý về vấn đề tiếp cận viện trợ nhân đạo ở Gaza và cam kết sẽ tránh mọi hành động khiêu khích ở khu vực lân cận quanh đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong tháng lễ Ramadan.
Về phần mình, Hamas chấp thuận sẽ thả 40 con tin bị họ giam giữ ở Gaza để đổi lấy những người Palestine bị phía Israel bắt.
Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được đến nay không đủ để đảm bảo bắt đầu một lệnh ngừng bắn trước ngày đầu tiên của tháng Ramadan.
Việc các bên chưa thể đạt được lệnh ngừng bắn là bằng chứng cho thấy sự thiếu tin tưởng sâu sắc giữa Hamas và Israel. Thực tế là không bên nào chấp nhận "đi bước xuống thang đầu tiên" nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Ở góc độ Hamas, mặc dù thể hiện sự linh hoạt hơn khi giảm bớt một số điều kiện, nhưng lực lượng này đã đưa các yêu cầu khó được Israel chấp nhận về một tiến trình chấm dứt chiến tranh theo từng giai đoạn.
Hamas yêu cầu lệnh ngừng bắn tạm thời phải được thực hiện trước khi thả các con tin, các lực lượng Israel phải rút hoàn toàn khỏi Gaza và tất cả người dân Gaza phải được trở về nhà.
Hamas đồng ý với các điều khoản chính của thỏa thuận ngừng bắn, nhưng nhóm này muốn Israel đưa ra cam kết về một một lệnh ngừng bắn lâu dài sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời kết thúc.
Hamas cũng yêu cầu Israel rút lực lượng ra khỏi các trung tâm đô thị, như một bước đi đầu tiên của quá trình rút hoàn toàn ra khỏi Gaza.
Hamas vẫn lo ngại sâu sắc rằng nếu không đảm bảo được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, Israel sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự khi lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần kết thúc.
Hamas cũng từ chối phóng thích toàn bộ hơn100 con tin mà nhóm này đang giữ và trao trả hài cốt của khoảng 30 con tin khác, trừ phi Israel ngừng tấn công, rút hoàn toàn khỏi Gaza và thả một số lượng lớn tù nhân Palestine (khoảng 3.000 người), bao gồm cả các chiến binh cấp cao đang thụ án chung thân trong các nhà tù của Israel.
Lực lượng này thông báo chỉ phóng thích các con tin là những người già, người bệnh, phụ nữ và trẻ em trong thời gian ngừng bắn kéo dài 6 tuần, không đồng ý thả các binh sĩ còn tại ngũ của Israel cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Trong khi đó, bất chấp áp lực bên ngoài và ngay cả nội bộ trong nước, Israel kiên quyết từ chối đưa ra các cam kết liên quan đến một lệnh ngừng bắn lâu dài và rút các lực lượng ra khỏi Gaza cho tới khi xóa bỏ hoàn toàn Hamas.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công khai bác bỏ các yêu cầu của Hamas và nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi Hamas bị giải tán và tất cả các con tin được phóng thích.
Việc Israel quyết định không cử phái đoàn tới Cairo vào phút chót trước khi đàm phán bắt đầu thể hiện rõ thái độ cứng rắn, đồng thời là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Israel không “mặn mà” với lần đàm phán này. Điều này khiến các bên khó có thể thu hẹp khoảng cách trong vòng một tuần.
Bên phía Hamas, sự chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo nhóm về các điều khoản đề xuất trong lệnh ngừng bắn cũng tạo thêm trở ngại đối với việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Vòng đàm phán tại Cairo không đạt được đột phá cũng xóa đi hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn trước lễ Ramadan.
Theo một số nguồn tin, đàm phán sẽ sớm được nối lại ngay trong tuần tới, song một khi các bên vẫn giữ quan điểm cứng rắn và lập trường "không nhượng bộ, không thỏa hiệp," triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn vẫn khá mong manh.
Tình trạng bế tắc này càng khiến thảm họa nhân đạo ở Gaza thêm tồi tệ./.