Triển lãm văn chương qua hơn 200 tài liệu Châu bản triều Nguyễn đặc sắc

Nhân Tết Giáp Thìn và Ngày thơ Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khai mạc Triển lãm trực tuyến "Văn chương muôn màu," giới thiệu hơn 200 tài liệu đặc sắc về đời sống văn học dưới triều Nguyễn.

(Ảnh cắt màn hình)

Triển lãm "Văn chương muôn màu" khai mạc ngày 15/2, giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu đặc sắc về đời sống văn học dưới triều Nguyễn (1802-1945), được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu Thế giới.

Triển lãm trực tuyến này do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, thực hiện, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và hướng tới ngày Thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng).

Triển lãm (tại địa chỉ https://archives.org.vn/vanchuongmuonmau/). Trong số những tài liệu được triển lãm, nhiều văn bản lần đầu tiên được công bố. Văn chương từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần thời trung đại. Triều Nguyễn không phải là một ngoại lệ.

Dưới triều đại này, văn chương hiện diện khắp nơi trong đời sống thường nhật: các dịp lễ Tết vua tôi thường cùng nhau xướng họa; khi nhà vua đi tuần du thăm thú cảnh đẹp non sông, thăm hỏi đời sống nhân dân, thơ như nhật ký ghi lại cảm xúc, hành trình.

Văn chương cũng là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm, tỏ chí tỏ lòng; cũng có khi là một món quà ban thưởng đầy ý nghĩa… Bên cạnh vai trò cao cả, ở một phương diện khác, văn chương bị coi là công cụ để “chuẩn bị” gây mầm loạn, sử dụng để đe dọa sự tồn tại của chính quyền quân chủ.

Sự tồn tại song song của cái đẹp, cái bi, cái cao cả đã làm cho văn chương trở thành một bức tranh muôn màu, muôn vẻ. Tiếp cận các danh nhân văn học và đời sống văn chương triều Nguyễn từ điểm nhìn Châu bản đem đến cho người xem nhiều thông tin bổ ích và thú vị, góp phần kiến giải để hiểu sâu sắc hơn về những thông điệp mà các tác gia văn học gửi gắm qua từng tác phẩm. Triển lãm “Văn chương muôn màu” gồm 3 phần.

Phần 1: Những “gương mặt thân quen” giới thiệu khái quát về các tác gia văn học lớn của thế kỷ XIX, XX như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Lần giở di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn và một số tư liệu cổ, công chúng được tiếp cận thêm về các tác gia văn học đó ở một góc độ khác-sự nghiệp quan trường và cuộc đời của họ. Từ đó, có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng quan điểm, cũng như tâm tư, tình cảm mà các tác gia đã gửi gắm vào từng tác phẩm.

(Ảnh cắt màn hình)

Phần 2: “Hiểm địa” của ngôn từ, đề cập đến vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử. Cũng như bất kỳ triều đại quân chủ chuyên chế nào, dưới triều Nguyễn, các vụ án văn chương thường gắn liền với việc bảo vệ quyền uy, vị thế của chính thể và giới cầm quyền đương thời. Các vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử được ghi lại khá nhiều trong Châu bản triều Nguyễn, liên quan tới những bài văn phạm húy, việc mang văn tự vào trường thi, sơ khảo chữa bài cho thí sinh… Hình phạt có thể từ đánh trượng, đóng gông, cho đến tội chết.

Nhân dịp mừng thọ 50 tuổi, vua Minh Mạng sai Nguyễn Bá Nghi viết vở Quần tiên hiến thọ theo cấu tứ và hướng dẫn của nhà vua. Khi đó, đúng khoảng thời gian mưa dầm, Tuần phủ Nam Ngãi Vương Hữu Quang được nhà vua sai làm lễ cầu tạnh tại miếu Đô thành hoàng.

Cầu suốt một ngày mà trời mưa không dứt, Vương Hữu Quang cho rằng nguyên nhân là do vua Minh Mạng đụng chạm đến thần linh khi nhà vua nói đùa ở điện Văn Minh và cho diễn vở “Quần tiên hiến thọ” tại Duyệt Thị Đường. Vì vậy, Vương Hữu Quang “xin đốt sách ấy đi để tạ trời đất thần minh.”

Theo lệnh của vua, Vương Hữu Quang bị cách chức, giam lại. Sau đó, vua gia ơn giáng ông làm Tư vụ Bộ Công. Nói về tội “bội nghịch” có yếu tố văn chương, Triển lãm đề cập đến năm 1833, nổ ra loạn Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Quận công Lê Văn Duyệt).

Năm 1835, Lê Văn Duyệt cũng bị luận tội. Khi lời đình nghị dâng lên, Duyệt vì lời nói và việc làm bội nghịch, có 7 tội đáng chém, 2 tội đáng xử thắt cổ chết. Hai tội đó là cố xin dung nạp sứ giả Diến Điện để hòng bào chữa điều mình đã sai trái. Nói với người ta về việc xin được thơ tiên giáng bút có câu “Trần Kiều” và “Hoàng bào.” Sau đó Lê Văn Duyệt bị san bằng mồ mả và dựng bia đá lên trên, khắc chữ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Chỗ hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết).

Về núp bóng hoạt động văn chương, Triển lãm cho thấy, năm 1866, Đoàn Hữu Trưng cùng với Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tú Trực, Trường Trọng Hòa, Phạm Lương kết hội Đông Sơn thi tửu, ngầm mưu việc lật đổ vua Tự Đức để lập Đinh Đạo (tức Nguyễn Phúc Ưng Đạo - con trai trưởng của anh vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Bảo) lên ngôi.

Đoàn Hữu Trưng cùng các nhân vật trọng yếu đều bị lăng trì bêu đầu, bắt thân thuộc, tịch thu gia sản để sung công. Ở đây, một hoạt động chính trị đã núp bóng hoạt động văn chương và sự trừng phạt của triều đình chủ yếu nhắm tới hoạt động chính trị, không hẳn là vấn đề “thi tửu.”

Phần 3: Tiêu dao miền thơ phú, cho thấy, dưới các triều đại quân chủ, thơ văn từng có vị trí đặc biệt trong đời sống cung đình. Châu bản triều Nguyễn đem đến nhiều thông tin thú vị về đời sống văn chương cung đình cách nay hàng trăm năm. Khi đó, việc vua tôi cùng nhau làm thơ không chỉ để mua vui, mà có khi để ngụ ý khuyên răn, để nói chí hướng, tu tâm dưỡng tính, đào luyện nhân cách. Với những giá trị nổi bật, sinh hoạt văn chương cung đình triều Nguyễn đã góp thêm hương sắc cho lịch sử văn học nước nhà./.