Triển lãm 'Thành xưa, phố cũ': Tư liệu quý về Hà Nội thế kỷ 19-20
Triển lãm “Thành xưa, phố cũ” mang đến một góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long-Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Ngày 6/10, triển lãm “Thành xưa, phố cũ” khai mạc tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, trưng bày 180 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật mang đến góc nhìn mới về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long-Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Triển lãm chia thành 2 chủ đề: “Thành bên Phố” và “Phố phường Hà Nội-Giao lộ Đông Tây” giới thiệu khái quát về không gian của thành Hà Nội thời Nguyễn; những công trình mới được xây dựng tại khu vực Thành; các con phố mới được mở ra xung quanh.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, triển lãm tập hợp các hình ảnh, tư liệu quý giá, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và các đơn vị, nhằm giới thiệu tới công chúng quá trình quy hoạch, xây dựng của Hà Nội giai đoạn này, với sự chuyển đổi công năng của Thành Hà Nội và hình thành các tuyến phố mới.
[Hà Nội: Xây dựng Hoàng thành Thăng Long thành công viên di sản]
Sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu Châu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này.
Tại đây, người Pháp đã bắt đầu cho xây dựng các cơ quan hành chính đầu não của bộ máy chính quyền thực dân các cấp của Hà Nội như: Tòa thống sứ Bắc Kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội, Nhà băng Đông Dương, Sở Bưu điện Hà Nội xung quanh đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền và Hàng Khay) và đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền)…
Hà Nội thời kỳ này, ngoài một số công trình được giữ lại như: Kỳ Đài, Đoan Môn, thành bậc rồng trước thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc - minh chứng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua thì người Pháp đã cho quy hoạch và xây dựng lại diện mạo của thành phố.
“Một đô thị truyền thống kiểu Á Đông đã dần biến đổi và giao hòa với những không gian mới, kiến trúc mới kiểu phương Tây. Những khu phố mới, những trung tâm chính trị, hành chính mới được xây dựng lên. Người Pháp cũng đã dần mở rộng thành phố về phía Tây và phía Nam,” ông Quang nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng Ban tổ chức đã lựa chọn, giới thiệu một phần các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu trong khối tư liệu đồ sộ, minh chứng cho lịch sử phát triển của Hà Nội; đặc biệt chú trọng gắn kết mối liên hệ giữa việc thay đổi không gian thành Hà Nội với việc quy hoạch, mở rộng các khu phố mới và toàn Thành phố Hà Nội.
“Hiểu về giai đoạn phát triển này của Hà Nội để chúng ta thêm yêu từng con đường, góc phố Hà Nội, một thành phố Á Đông có sự giao thao văn hóa mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính và bản sắc độc đáo của mình,” ông Cường nói.
Triển lãm kéo dài đến cuối năm tại Di tích Hoàng thành Thăng Long, 9 Hoàng Diệu, Hà Nội./.