Triển lãm 'Ơn' của nhóm họa sỹ G39: Lời chào năm mới bằng hội họa

Mùa Giáng sinh sắp gõ cửa, với các nghệ sỹ G39, triển lãm "Ơn" là lời chào năm mới 2024 bằng hội họa, là lời chúc an lành, ấm áp đến tất cả mọi người.

Triển lãm giới thiệu 32 tác phẩm của 11 họa sỹ về chủ đề mùa Giáng sinh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà thờ Lớn đã trang hoàng mừng Giáng sinh, phố xá khắp nơi lung linh, rực rỡ chào đón mùa an lành. Hòa chung không khí đó, nhóm họa sỹ G39 cùng bày triển lãm “Ơn” với 32 tác phẩm lấy cảm hứng từ Giáng sinh – “mùa Sinh.”

Triển lãm quy tụ các hoạ sỹ Lê Thiết Cương, Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Minh, Nguyễn Thanh Quang, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Doãn Hoàng Lâm, Chu Hồng Tiến, Đỗ Dũng.

Mỗi nghệ sỹ có một phong cách. Do đó, triển lãm cũng mang đến góc nhìn đa dạng trên nhiều chất liệu như sơn dầu; acrylic trên giấy gạo; acrylic trên toan; tổng hợp; bột màu, vải màn bồi giấy dó; bột màu trên báo cũ.

Về chủ đề “Giáng sinh,” họ có chung một ý tưởng: “Tôn giáo nào đi chăng nữa, tồn tại được mấy ngàn năm như vậy là vì cái Đạo đó đã ‘Đời hoá’ bằng những lễ hội, phong tục, tập quán, thói quen, văn hoá. Con thuyền nghệ thuật đã chở giáo lý của Kinh Thánh đi xa và đến với số đông.”

Các tác phẩm gợi lên không khí Giáng sinh ấm áp và thiêng liêng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Giải thích rõ hơn, họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng tất cả mọi con đường của tôn giáo đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện.

Khi ngồi trong Gallery 39 của mình tại phố Lý Quốc Sư, anh nhận thấy chỉ một đoạn đường ngắn mà có cả Nhà thờ Lớn, Chùa Lý Triều Quốc Sư và Đền Phù Ủng – hiện thân của các tôn giáo khác nhau cùng hòa hợp tại Việt Nam.

“Đấng tối cao Jesus hay Đức Thích Ca, khái niệm 'Đạo' của Lão Tử hay 'Thái cực' của Dịch học suy cho đến tận cùng cũng chỉ là cái khởi nguyên, cái ban đầu. Hoặc nói cách khác đó là sự hoá thân của đấng MỘT thành nhiều để phù hợp với các vùng văn hoá khác nhau, con người khác nhau, yếu tố địa lý và hoàn cảnh lịch sử khác nhau,” họa sỹ bày tỏ.

Trước Noel khoảng 6 tháng, anh đã rủ các nghệ sỹ trong nhóm G39 cùng suy nghĩ về chủ đề Giáng sinh, sự an lành và lòng biết ơn. Vậy là triển lãm “Ơn” ra đời và Lê Thiết Cương cũng là người giám tuyển.

“Nếu đồng hồ chữ số La Mã trên trán Nhà thờ Chính tòa này là con mắt, thì trăm năm qua đi, liệu nó có nhớ được đã biết bao người đứng trước tòa giáo đường để cầu nguyện, đọc kinh, thậm chí chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Đấy là chưa kể một chút lạnh, một chút yêu đương, giai điệu mượt mà của bản 'Ave Maria', tiếng kinh cầu và những hồi chuông nửa đêm… đều là chất liệu, là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ về cái "tứ" sáng tạo trong chủ đề Giáng sinh.

Anh quan niệm rằng Chúa sáng thế còn nghệ sỹ thì sáng tạo, tất cả những ý tưởng, cảm hứng nghệ thuật tại “Ơn” sẽ tạo thành một giấc mộng, giúp cho mỗi người có sức mạnh để làm được thêm dù chỉ là một chút gì đó tốt cho nhau, nghĩ đến nhau nhiều hơn và trở nên “người” hơn một chút.

Chùm 3 tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Minh.

Tham gia triển lãm với 3 tác phẩm, họa sỹ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho hay Giáng sinh ngày nay không còn là dịp lễ của riêng những người theo đạo Thiên Chúa mà đã trở thành một nét văn hóa của người Việt, là ngày hội chung của tất cả mọi người, để cùng lắng lại bên nhau, nguyện cầu những điều tốt đẹp.

Bản thân Nguyễn Minh không theo đạo nhưng anh cũng có cảm xúc cá nhân khi đứng trước những nhà thờ mang dấu ấn thời gian để từ đó chiêm nghiệm về những giá trị tinh thần đối với con người trong thời đại ngày nay.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25/12 tại Son Art & Culture Space, 20C Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội./.

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Tác phẩm "Nhà của Chúa" của Phạm Trần Quân.
Tác phẩm “Trong sương mù hiện ra” của Nguyễn Thanh Quang.
Tác phẩm "Nơi bình yên" của Nguyễn Hồng Phương.
Tác phẩm "Giáng sinh an lành" của Lê Thiết Cương.
Tác phẩm "Ngày ngày an lành" của Bình Nhi.
Tác phẩm “Nắng trên thánh đường” của Lâm Đức Mạnh.