Triển lãm nhân kỷ niệm 7 năm hợp tác Mekong-Lan Thương
Ngày 24/3, một cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 7 năm ra đời cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) đã được tổ chức tại Nay Pyi Taw, thủ đô của Myanmar.
Ngày 24/3, một cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 7 năm ra đời cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) đã được tổ chức tại Nay Pyi Taw, thủ đô của Myanmar.
Triển lãm - có sự tham dự của gần 200 khách mời từ Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia cùng đại diện các ban, ngành liên quan của Myanmar - giới thiệu những thành tựu của các dự án trong khuôn khổ LMC do 16 bộ và các cơ quan của Myanmar thực hiện.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar, phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe đã nhấn mạnh vai trò của LMC trong sự phát triển bền vững của khu vực nói chung, cũng như đối với người dân Myanmar nói riêng.
Ông cũng bày tỏ đánh giá cao Quỹ đặc biệt LMC, nêu bật tầm quan trọng của các nguyên tắc LMC trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như tăng cường phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Quỹ đặc biệt LMC đã hỗ trợ hơn 600 dự án trong khu vực và đóng góp cho sự phát triển của khu vực. Quỹ đã tài trợ cho 92 dự án trong 34 lĩnh vực của Myanmar, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân nước này.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh 6 quốc gia thành viên đã hợp tác hiệu quả trên 3 trụ cột là an ninh - chính trị, kinh tế - phát triển bền vững và giao lưu xã hội - giao lưu nhân dân. Bắc Kinh cũng bày tỏ tin tưởng rằng sự đoàn kết và hợp tác của 6 quốc gia LMC sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực.
[Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và vùng Mekong tăng trưởng mạnh]
LMC là nền tảng hợp tác tiểu vùng mô thức mới, do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong (gồm Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam) cùng khởi xướng và xây dựng, nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia.
Cơ chế này đã trở thành một hình mẫu hợp tác đặc trưng trong khu vực và liên tục tiếp sức cho sự phát triển của khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực; có lợi cho tiến trình nhất thể hóa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhất thể hóa khu vực, đóng góp cho hợp tác Nam - Nam, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.