Triển lãm mỹ thuật Nguyên & “Nguyên” - Khởi nguyên của một Nguyên Xuân
Như một chồi Xuân mới nứt đất, trong veo, chưa tạp nhiễm, 31 tác phẩm trong triển lãm Nguyên và “Nguyên” dào dạt một dòng chảy của cảm xúc, biến đổi theo độ loang của những mảng màu trên toan.
Cho dù bây giờ mới là đầu mùa Đông, với đợt gió lạnh đầu tiên vừa ùa về, thế nhưng ở một góc nhỏ của thành phố, một cái gì đó tinh khôi, trinh nguyên mới vừa nhú như mảnh chồi Xuân. Đó là cảm xúc mà bạn có thể cộng cảm khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của một nữ họa sỹ trẻ tại Triển lãm mỹ thuật có tên Nguyên và “Nguyên.”
Nguyên là tên của nữ họa sỹ Nguyễn Trần Thảo Nguyên, 27 tuổi, nghĩa là còn đứng trong vòng quay rực rỡ của tuổi xuân. Còn “Nguyên” là gì? Bản thể của con người Nguyên hay tinh thần của Nguyên hay thế giới nội tâm của Nguyên?
Có thể “Nguyên” là tất cả những đáp án trên hoặc có thể chẳng là gì. Tuy nhiên, khi Nguyên và “Nguyên” tạo thành một cặp phạm trù, thành tiêu đề của một màn biểu hiện thì lại dễ khiến người ta liên tưởng đến câu thơ tài tình trong bài “Nguyên Xuân” của Bùi Giáng:
“Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau”
Thế nên, đây là một “Nguyên Xuân” của Nguyên, là triển lãm đầu tiên của Nguyên, cũng là bước khởi đầu của Nguyên trước công chúng thật đậm đặc phong tư, cốt cách, bản sắc cá nhân.
Nó trình bày nguyên vẹn những cảm xúc nguyên sơ của nữ họa sỹ trẻ trong suốt tuổi Xuân của mình, thứ vẫn non nớt, chưa định hình danh tính, song đầy ắp những bước chuyển cảm xúc của một đứa trẻ thành thiếu nữ rồi thành một con người ở chặng đầu nghệ thuật.
Như một chồi Xuân mới nứt đất, trong veo, chưa tạp nhiễm, chưa thể cứng cáp theo một khuôn thước nào đó. 31 tác phẩm hiện hình trong triển lãm Nguyên và “Nguyên” dào dạt như một dòng chảy của cảm xúc, tùy sức biến đổi theo độ loang của những mảng màu trên toan.
Ở đó không có hình dung cụ thể, sắc nét. Ở đó không có khắc họa cứng cáp, dứt khoát. Ở đó chỉ có tính mềm mại của một vật chất vô hình vô dạng, biến ảo khôn lường, tùy ý xé thành mây trôi, nước chảy; hoặc bốc lên như không khí, như đao lửa; hoặc dồn nén, tích tụ như bóng tối hồng hoang của sự hỗn mang, nghi ngờ, chiêm nghiệm, tự đau xót bản thân để trưởng thành.
Nguyên đã dùng 3 năm để cắt lớp cảm xúc nội tâm, tìm hiểu con người bên trong của mình, rồi đưa ra những hình dung về bản ngã trong một thế giới ngoại quan đầy sôi nổi, biến động và trắc trở.
Đó là một quãng thời gian không dễ dàng gì bởi nó ôm trọn giai đoạn u tối của đại dịch, bệnh tật, sự hốt hoảng bất an của những kiếp phù du lướt qua và biến mất trong thế giới.
Nguyên đã thu mình trong thế giới biệt lập của riêng mình để dùng vật chất xám khám phá những hố đen trong cảm xúc, ép nó chảy thành những dòng khí tự giải phóng trên toan.
Chính vì thế, trong 31 tác phẩm tại Nguyên và “Nguyên,” khí giàn giụa mịt mù như hơi Thu, như gió Đông, như lửa Hạ, như khí Xuân. Chúng cuộn trào, đồng tụ rồi lan tỏa, cuốn thị giác vào một cuộc phiêu du miên viễn, bất tận.
Chúng có đủ hình dạng, màu sắc, cường độ như đều tuân theo một hình dung nguyên bản của chủ nhân: diễn tả trạng thái cảm xúc của con người khi nghĩ về bản thân, về người mẹ, về thời thơ ấu, về chú chó đen chạy giữa vệt xanh lá khế, về những giá trị vừa đổ vỡ cũng như những thứ mới nảy sinh.
Đừng hy vọng tìm kiếm ở Nguyên và “Nguyên” một sự thoả mãn cụ thể bởi tín điều của Nguyên là Trừu tượng-Biểu hiện. Lựa chọn Trừu tượng là phương tiện, và 31 mảng mảng cảm xúc trên toan là cứu cánh của Nguyên.
Nó là một cánh cửa thời gian để Nguyên bước vào thế giới và mời thế giới đến với bản thể vẹn nguyên của mình. Nó là những giấc mơ, là những cơn mộng mị, là những cuộc xuất hồn phiêu du, là những mảng xám, là những mảnh ghép hỗn mang có ảnh hưởng phong cách sử thi thần thoại Hy Lạp và tư tưởng nghệ thuật của triết gia Bela Hamvas.
Chỉ thế thôi, nhưng có lẽ khi chạm vào 31 mảnh cảm xúc này của Nguyên và “Nguyên,” chúng ta cũng sẽ chạm vào được một mùa Xuân mới mẻ, có chút dũng cảm trả giá và đầy kích thích. Vậy nên, hãy như Bùi Giáng đã mời khi xưa:
“Thưa rằng: Nói nữa là sai/ Mùa Xuân đương đợi những ai bước vào”
Hãy bước vào thôi./.