Triển lãm 'Mặt khác': Chân dung Hà Nội - 'thực thể văn hóa sống động'
Ba nghệ sỹ Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà, Đinh Công Đạt cùng bày triển lãm "Mặt khác" để thể hiện tình cảm với Hà Nội đồng thời gây quỹ ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Tối 13/9, triển lãm “Mặt khác” (Otherwise) của ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội.
Họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt giới thiệu đến công chúng 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi.
Theo các nghệ sỹ chia sẻ, sau ba thập kỷ thân thiết, họ cảm thấy cần phải làm một điều gì đó cùng nhau. Với sự thành công riêng của mỗi người trong từng lĩnh vực văn chương và nghệ thuật, việc chọn một chủ đề để có thể đứng chung là việc vừa dễ vừa khó.
Họ đã lựa chọn sử dụng các yếu tố truyền thống và kỹ thuật quen thuộc trong tác phẩm của mình. Việc viết các câu văn kinh điển, những tên phố cổ hay các hoa văn truyền thống lên mặt nạ, từ giấy bồi đến gốm và thậm chí là vàng, đã tạo nên sự kết nối sâu sắc và tôn vinh những giá trị cổ xưa của Hà Nội.
Về chủ đề sáng tác, Nguyễn Việt Hà chọn Mặt Phố, từ chính tình yêu dành cho những ngõ phố Hà Nội, nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận của anh trong văn học. Với anh, các mặt nạ được khắc họa không chỉ là những khuôn mặt mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội.
Đối với Lê Thiết Cương, Mặt Chùa là lựa chọn tự nhiên từ sự gần gũi với Phật giáo, đức tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật và con người của anh, với những tác phẩm mang đậm triết lý Phật giáo cũng như sự tĩnh lặng giữa dòng đời xô bồ.
Còn Đinh Công Đạt, người lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, mang vào tác phẩm của mình sự lộn xộn và nhộn nhịp của những khu chợ xưa, đã chọn Mặt Chợ, như cách để gợi nhớ lại bầu không khí thân quen và hỗn loạn của phố cổ. Sự khác biệt trong sự xưa, cũ, cổ.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, Hà Nội không chỉ là một thành phố vật chất mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể, nơi chứa đựng những giá trị không thể phai mờ theo thời gian. Hà Nội còn là một thực thể văn hóa sống động. Bản chất của Hà Nội không nằm ở các công trình vật chất hay tài sản hữu hình, mà chính là ở di sản văn hóa phi vật thể mà người dân nơi đây luôn trân trọng và gìn giữ.
Các nghệ sỹ quyết định dành toàn bộ % số tiền bán tác phẩm để đóng góp vào Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô, nhằm khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai để lại.
Theo nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, lúc bắt đầu hình thành ý tưởng, lấy chính khuôn mặt của mình làm mặt nạ, rồi bày triển lãm, ba nghệ sỹ nghĩ hết sức đơn giản là “để chơi,” để có thêm những kỷ niệm cùng nhau. Nhưng rồi, thiên tai ập đến khiến nhiều tỉnh miền Bắc ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
“Trong mấy ngày qua, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu đau thương và mất mát của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc. Xót xa lắm. Và rồi, chúng tôi quyết định, dự án nghệ thuật này không còn là chuyện để chơi nữa. Nó phải là hoạt động cụ thể để chung tay cùng cả cộng đồng khắc phục phần nào khó khăn, mất mát mà những người dân vùng bão lũ đang phải gánh chịu,” nhà điêu khắc Đinh Công Đạt chia sẻ.
Triển lãm mở cửa đến ngày 11/10 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội./.
Một số hình ảnh trong triển lãm: