Triển lãm 'Mạch di sản': Những sáng tạo mới trên tranh dân gian truyền thống
Bằng kỹ thuật hiện đại, các nghệ sỹ đã tái tạo sức sống cho dòng tranh dân gian, mang đến cảm xúc mới mẻ cho người xem, góp phần phát triển nét văn hóa xưa, hòa quyện trong dòng chảy hiện đại.
Chiều 9/8, nhóm họa sỹ Latoa Indochine cùng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Mạch di sản” giới thiệu những sáng tạo mới mẻ trên dòng tranh dân gian truyền thống.
Triển lãm trưng bày trên 60 bức tranh với những đề tài quen thuộc trong tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng như “Lợn đàn,” “Thần Kê,” “Đánh ghen,” “Ngũ Hổ,” “Đám cưới chuột”… nhưng lại được “tái tạo” trên cơ sở kết hợp kỹ thuật tranh sơn mài với tranh sơn khắc.
Các tác phẩm mang đến cho những người yêu nghệ thuật một góc nhìn thú vị, đầy sáng tạo về dòng tranh truyền thống của dân tộc đồng thời góp phần phát triển nét văn hóa xưa, hòa quyện trong dòng chảy hiện đại.
Tại triển lãm, Latoa Indochine cùng các họa sỹ Lương Minh Hoà, Trần Thiệu Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thái Học sẽ giới thiệu tới công chúng những tác phẩm về sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật…
Theo ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch Latoa Indochine, tranh dân gian truyền thống rất đẹp nhưng vì in trên giấy dó, giấy điệp nên độ bền không cao. Do đó, các nghệ sỹ đã sáng tạo ra cách vẽ mới trên vóc.
“Hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện sắc nét, có chiều sâu và khi quan sát kỹ sẽ thấy tầng tầng lớp lớp màu được mài rất tỉ mỉ. Tất cả những điều đó khiến tranh dân gian trở nên đẹp hơn, hiện đại, sang trọng hơn, giá trị văn hóa nghệ thuật cũng được nâng lên một tầm cao mới,” ông Phạm Ngọc Long cho biết.
Quan điểm sáng tạo của các họa sỹ Latoa Indochine là phục hồi, phát huy, bảo tồn tranh dân gian và không gian nghệ thuật kiến trúc phong cách Indochine, mang đến “đời sống mới” cho nghệ thuật hội họa xưa, để những nghệ thuật truyền thống được “hồi sinh” trong đời sống hiện đại.
Mỗi tác phẩm được làm qua rất nhiều công đoạn: Thiết kế đồ họa trên máy tính, in ra giấy rồi dùng bột trắng titan can lên vóc (tấm gỗ dùng để khắc tranh), dùng công cụ khắc lõm chi tiết, lên nhiều lớp màu, dùng nước để mài tranh, cuối cùng là thếp vàng, thếp bạc cho bức tranh.
Trong thời gian trưng bày triển lãm, các tác giả sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc, nhằm giúp công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam và trải nghiệm các công đoạn để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc.
Triển lãm nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2024); hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Triển lãm khai mạc vào 16h ngày 9/8, kéo dài đến hết ngày 3/9 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo. Thời gian mở cửa từ 9h-17h các ngày từ thứ Ba đến Chủ nhật hàng tuần./.