Tri ân tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt đi tù đày tại Ngục Kon Tum
Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt đi tù đày ở Ngục Kon Tum,” tổ chức tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.
Ngày 25/9, tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt đi tù đày tại Ngục Kon Tum.”
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong hai cuộc đấu tranh lưu huyết, đấu tranh tuyệt thực nói riêng và các chiến sỹ cộng sản hy sinh trong thời gian bị giam cầm tại Ngục Kon Tum nói chung.
Đây là dịp để người dân toàn tỉnh ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự toàn vẹn, thống nhất của Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được thực dân Pháp thành lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên từ những năm 1915-1917. Năm 1930, thực dân Pháp bắt đầu đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại đây với âm mưu thâm độc là vừa cách ly tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời, lợi dụng lam sơn chướng khí, lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần, giết mòn người tù.
Tháng 6/1930, đồng chí Ngô Đức Đệ (một đảng viên bị bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh) là người tù chính trị đầu tiên được đưa từ nhà lao Vinh (Nghệ An) lên giam giữ tại đây. Từ tháng 12/1930 đến tháng 3/1931, số lượng tù chính trị đưa lên giam cầm tại Ngục Kon Tum lên đến gần 300 người.
Tại đây, với tinh thần của người đảng viên cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ phát huy tinh thần cách mạng, sáng tạo, vượt qua sự giám sát nghiêm ngặt của kẻ địch, tìm cách tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, cảm hóa, giác ngộ tư tưởng cách mạng và kết nạp được nhiều đồng chí như, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ vào Đảng. Đây chính là tiền đề để hình thành nên tổ chức Đảng sớm nhất ở Tây Nguyên.
Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đó là cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra ngày 12/12/1931.
Cuộc đấu tranh lưu huyết với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả “chết để sống,” “chết một người để cứu muôn người” gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người.
Cuộc đấu tranh thể hiện bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sỹ cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng bạo tàn của quân thù; thể hiện ý chí khát vọng vươn lên giành quyền tự do, đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc quyết sinh.
Với giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Ngục Kon Tum đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia. Để ghi nhận công lao to lớn của tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum, thời kỳ 1930-1931, ngày 21/11/2022, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1384/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Ngục Kon Tum, vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.