Trẻ em bị bỏ quên trên ôtô: Khi người lớn tắc trách, quy trình thiếu chặt chẽ
Các vụ việc học sinh bị bỏ quên trên xe ôtô đưa đón diễn ra ở các tỉnh, thành khác nhau dẫn đến những kết qủa đau lòng đã tiếp tục cho thấy yêu cầu cần siết chặt hoạt động này.
Vụ việc một em nhỏ 5 tuổi bị bỏ quên trên xe ôtô suốt cả ngày hôm qua, 29/5, tại Thái Bình, giữa lúc miền Bắc đang trong đợt cao điểm nắng nóng khiến em bé tử vong một lần nữa đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người lớn, sự thiếu chặt chẽ của quy trình đưa đón trẻ bằng xe dịch vụ.
Người lớn tắc trách nhưng trẻ phải trả giá bằng mạng sống.
Những vụ việc đau lòng
Vụ việc đáng tiếc nói trên xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (trụ sở tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình). Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sáng 29/5, cô giáo Q.A có nhiệm vụ đưa đón trẻ mầm non từ nhà đến trường, trong đó có bé T.G.H, sinh năm 2019, trú tại huyện Vũ Thư. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình.
Chiều cùng ngày, người thân của bé H đến đón, không thấy cháu nên đã báo cho nhà trường đồng thời tìm kiếm cháu H và phát hiện cháu H vẫn ở trên xe ôtô đưa đón của nhà trường.
Vụ việc hiện đang được Công an tỉnh Thái Bình vào cuộc điều tra.
Trước đó, tháng 8/2019, vụ việc đau lòng tương tự đã diễn ra tại Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi một học sinh lớp 1 đã tử vong do bị quên trên xe ôtô từ sáng tới chiều. Nhân viên phụ trách đưa đón trẻ đã đón 13 học sinh lên xe nhưng không kiểm đếm khi học sinh xuống xe, không lên xe để rà soát lại một lần nữa trước khi đóng cửa xe nên không biết vẫn còn một học sinh ngủ quên trên xe. Giáo viên chủ nhiệm thấy học sinh nghỉ học nhưng không liên lạc với gia đình. Thời tiết nóng nực và không gian kín đã khiến học sinh bị tử vong do suy hô hấp tuần hoàn trong không gian giới hạn.
Ngày 11/8/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án người phụ trách đưa đón trẻ 21 tháng tù và phạt lái xe 10 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người,” phạt giáo viên chủ nhiệm 12 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ngay sau vụ việc đau lòng của trường Gateway, tháng 9/2019, tiếp tục xảy ra vụ một em bé ba tuổi, học sinh cơ sở mầm non tư thục Đồ Rê Mí (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe hơn 7 tiếng. Tài xế trước khi rời đi đã hé cửa kính cạnh ghế lái nhưng không biết trên xe vẫn còn một trẻ. Đến tận 15h30, khi ra xe để chuẩn bị đưa trả trẻ, tài xế mới phát hiện cháu bé lúc này đã trong tình trạng rối loạn tri giác và lập tức đưa đi cấp cứu. Cháu bé đã may mắn được cứu sống. Cơ sở giáo dục này ngay sau đó bị đóng cửa.
Trong năm 2020 cũng xảy ra hai vụ học sinh bị quên trên xe đưa đón của trường tại Hà Nội. Tháng 6/2020, một nam sinh lớp 4 trường tiểu học Nam Từ Liêm bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh. May mắn, cháu bé tỉnh dậy, đập cửa, nhờ người dân trợ giúp đưa ra ngoài.
Tháng 9/2020, một học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm bị bỏ quên trên xe đưa đón. Do đã được nhà trường hướng dẫn cách thoát hiểm trên ôtô nên học sinh này đã tự mở cửa xe để đi vào trường.
Tháng 6/2023, một học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Archimedes (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón khi đi dã ngoại nhưng may mắn đã được trường phát hiện sớm.
Cần siết chặt quy trình
Điểm chung của các vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe ôtô là sự tắc trách, chủ quan, chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình đưa đón trẻ của các cá nhân liên quan. Lái xe, nhân viên phụ trách đưa đón học sinh không kiểm đếm số lượng, không lên xe để rà soát lần cuối sau khi học sinh xuống xe. Giáo viên thiếu chặt chẽ trong kết nối với gia đình khi thấy học sinh vắng mặt.
Tháng 8/2019, ngay sau vụ việc ở trường Gateway, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ bằng xe ôtô. Trong đó. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn có sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh phải lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải theo quy định; phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh.
Tháng 5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi tới Bộ Giao thông Vận tải đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ quy định một số nội dung về dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô nhằm khắc phục những bất cập và rủi ro tiềm ẩn trong loại hình dịch vụ này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan như đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...
Hiện, dự thảo Luật Đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã dành riêng điều số 70 để quy định về hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô.
Theo đó, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ôtô là hoạt động sử dụng xe ôtô để đưa đón trẻ em mầm non, học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác.
Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.
Trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ôtô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...
Tuy nhiên, trước khi quy định được ban hành, vì sự an toàn của trẻ nhỏ, đòi hỏi mỗi người lớn, cơ sở giáo dục, cơ sở vận chuyển học sinh cần nghiêm túc tuân thủ quy trình, tránh những trường hợp đáng tiếc để phải trả giá bằng tính mạng con người.../.