Trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng tặng các công nhân, kỹ sư tiêu biểu
11 kỹ sư, công nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh... được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023), sáng 19/8, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 23 năm 2023.
Giải thưởng đã vinh danh 11 kỹ sư, công nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực, được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh, qua đó đã truyền lửa, khơi nguồn sáng tạo cho đồng nghiệp và công nhân lao động nói chung.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã mang lại dấu ấn riêng, mang đậm hình ảnh của tổ chức Công đoàn và phong trào công nhân thành phố. Các cá nhân nhận giải thưởng qua từng năm đã cống hiến và đóng góp những thành quả trong phong trào “Thi đua yêu nước,” phong trào “Lao động giỏi-Lao động sáng tạo."
Chúc mừng các điển hình kỹ sư, công nhân được tuyên dương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân mong lực lượng công nhân, người lao động thành phố tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, nhân rộng các điển hình tiên tiến, khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, mỗi cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng phải thật sự là người thợ cả, giỏi nghề, thạo việc, luôn gương mẫu về đạo đức, lối sống, là những tấm gương trong phong trào thi đua “Lao động giỏi-Lao động sáng tạo."
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân đề nghị Công đoàn thành phố, Ban Tổ chức Giải thưởng Tôn Đức Thắng hướng đến những cá nhân ở những ngành công nghiệp mũi nhọn, dịch vụ có tính chất công nghiệp, công nghệ thông minh; qua đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố, đặc biệt là đội ngũ công nhân lành nghề - những người thợ trẻ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
"Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua 'Lao động giỏi-Lao động sáng tạo' gắn với phong trào thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật với nhiều giải pháp để khuyến khích chế độ làm việc sáng tạo theo nhóm, theo kế hoạch dài hạn nhằm giải quyết các mục tiêu lớn, nhất là vấn đề đổi mới, cải tiến công nghệ, làm cho phong trào thi đua vì mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động," ông Huỳnh Thanh Xuân nhấn mạnh.
Ấn tượng về thành tích của 11 kỹ sư, công nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức mong mỗi người tự tiếp tục phát huy tri thức, năng động, sáng tạo trong lao động, tạo ra nhiều hơn nữa sáng kiến có hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội; đồng thời bày tỏ tin tưởng sự cống hiến của các điển hình kỹ sư, công nhân hôm nay là niềm cảm hứng to lớn cho những công nhân, những người thợ trẻ tương lai.
[Máy tách nhân dừa: Sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp cả tỷ đồng]
Từ các kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị các cấp ủy Đảng, các ngành chức năng và tổ chức Công đoàn tiếp tục có nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân và gia đình công nhân; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Công đoàn cần tập trung bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng của công nhân thành phố cả về nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và ngày càng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp; từ đó góp phần phát triển lực lượng công nhân lành nghề, từng bước hiện đại và tạo nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân.
Là một trong 11 điển hình được vinh danh năm nay, anh Võ Duy Phương, kỹ thuật viên Công ty Intel Products Vietnam không giấu được niềm vui và xúc động khi nhận giải thưởng. Với anh, Giải thưởng Tôn Đức Thắng là niềm vinh dự của bản thân, niềm tự hào của gia đình và của cơ quan, đơn vị cùng những đồng nghiệp.
Làm việc tại Intel Products Vietnam từ năm 2017 đến nay, anh Duy Phương đã có 5 sáng kiến như: chuyển đổi chức năng thiết bị đầu gắn sản phẩm từ SRM sang ACS; tạo máy công cụ để sửa chữa và thử tải thiết bị đầu gắn sản phẩm; nghiên cứu sửa chữa 56 loại bộ phận máy… làm lợi cho đơn vị từ 800 triệu đồng đến 7 tỷ đồng/sáng kiến.
Hiện, anh Duy Phương còn dành thời gian huấn luyện, đào tạo ở các lớp nâng cao kỹ năng nghề cho gần 500 công nhân để hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực lâu dài cho nhà máy.
Anh cho biết để có được những ý tưởng độc đáo, bản thân đã phải dành nhiều thời gian tham khảo tài liệu và giữ liên hệ chặt chẽ với các bộ phận chuyên trách trong suốt quá trình thử nghiệm.
“Vui nhất là khi hay tin các giải pháp được triển khai đại trà tại nhà máy khác của tập đoàn. Điều đó khẳng định công sức của mình đã được doanh nghiệp công nhận, áp dụng," anh Võ Duy Phương chia sẻ.
Các cá nhân điển hình được trao giải thưởng đáng chú ý có ông Phan Hoàng San, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng (Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Thành Phương (Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải Điện 4, Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia); ông Nguyễn Trọng Nhân (Tổ trưởng vận hành thiết bị, Phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn); bà Hồ Thụy Bảo Như (Quản lý sản xuất Phân xưởng thực phẩm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Unilever Việt Nam); bà Võ Thị Ngọc Diễm (Điều hành sản xuất line cá đỏ, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food); ông Hồ Vĩnh Phú (Quản lý phân xưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jabil Việt Nam)…
Trải qua 23 năm Giải thưởng Tôn Đức Thắng, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố nhìn nhận đội ngũ công nhân, kỹ sư giỏi ngày càng trẻ; họ không ngừng vươn lên, khắc phục khó khăn, cần mẫn và sáng tạo trong lao động, phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất; tích cực phát huy sáng kiến.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000. Qua 23 năm tổ chức, giải thưởng đã tôn vinh 242 kỹ sư, công nhân có sáng kiến, cải tiến trong công việc.
Từ giải thưởng này, nhiều cá nhân đã trưởng thành và giữ nhiều chức vụ cao trong các doanh nghiệp, đơn vị./.