Tránh lãng phí, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải cho rằng, những cải cách mạnh mẽ về thể chế giai đoạn đầu Đổi mới đã giúp đất nước thoát khỏi khó khăn và đạt được cơ đồ, tiềm lực như ngày nay.
Trong hai bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Chống lãng phí” và phát biểu tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác lập pháp, thi hành pháp luật, đặc biệt là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây lãng phí nguồn lực, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trước kỷ nguyên mới.
Liên hệ hai bài viết nói trên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, một đất nước có một hệ thống pháp luật tốt “có thể thay đổi sự phát triển của đất nước” và bày tỏ đồng tình với nhận định của Tổng Bí thư về những tồn tại, hạn chế trong công tác lập pháp.
Dẫn thực tế lịch sử công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng gần 40 năm qua, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải cho rằng, những cải cách mạnh mẽ về thể chế giai đoạn đầu Đổi mới đã giúp đất nước thoát khỏi khó khăn và đạt được cơ đồ, tiềm lực như ngày nay.
“Chúng ta có các luật thuộc các mảng đầu tư sau thời kỳ đổi mới, ví dụ như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987), khơi thông hàng loạt các nguồn lực. Tiếp đó, chúng ta có hàng loạt các khu công nghiệp, đặc biệt ở các tỉnh khu vực phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai là kết quả của những làn sóng “trải thảm đỏ,” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài... Những quy định của pháp luật khi được tháo điểm nghẽn đã góp phần đưa đất nước từ thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ thứ, trở thành một cường quốc xuất khẩu lúa gạo và các mặt hàng khác,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải, “làm luật là một việc rất khó,” đòi hỏi bộ phận làm luật phải là những người có trình độ rất cao, am hiểu lĩnh vực, rất tâm huyết, mới có thể đưa ra được những câu chữ vào các điều luật để có thể hiểu và áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm luật còn đan xen cả vấn đề lợi ích nhóm. Ví dụ, Luật Đất đai chắc chắn sẽ đụng đến lợi ích của các nhóm khác nhau, từ người dân đến các doanh nghiệp bất động sản.
Do đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải cho rằng, khâu làm luật ở nước ta hiện nay rất cần đến tính Đảng để đảm bảo một đạo luật, quy định pháp luật phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết như Tổng Bí thư yêu cầu. Quá trình làm luật phải loại bỏ được những lợi ích nhóm, dù điều này không hề dễ dàng.
“Gần đây, Đảng đã có quy định về phòng, chống tham nhũng ngay trong quá trình xây dựng hệ thống các luật để tránh lợi ích nhóm len lỏi. Chỉ cần mấy câu chữ sửa trong luật là có thể làm tắc nghẽn hệ thống hoặc làm thay đổi rất nhiều. Do đó, để có hệ thống luật tốt thì những người làm luật phải là những người xuất sắc trong lĩnh vực đấy, đồng thời phải ngăn được các lợi ích nhóm, can thiệp cả về chính trị, kinh tế vào trong quá trình chúng ta xây dựng, ban hành luật,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Hồ Hải nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật được Đảng chỉ ra cũng như được hầu hết các chuyên gia lập pháp, nhà khoa học thống nhất, đó là sự minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình.
Nghiên cứu rất kỹ bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh “xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ," “thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.”
“Rất đáng chú ý nữa là Tổng Bí thư nêu rõ, Quốc hội cần đóng vai trò chủ đạo, có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những luận điểm này đã thể hiện tầm nhìn sâu sắc và định hướng của người đứng đầu Đảng đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.
Theo phân tích của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo, về mặt kỹ thuật lập pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền phải dễ hiểu, rõ ràng, minh bạch, hiện đại và dễ vận hành, tháo gỡ những “nút thắt,” tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để đảm bảo một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, mọi thứ hướng tới đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân và đảm bảo pháp luật là cơ sở pháp lý, là thượng tôn pháp luật.
“Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và định hướng cho công tác lập pháp của Việt Nam chúng ta ngày càng đi vào hiệu quả hơn, đáp ứng được xu thế hội nhập và phát triển và là một đất nước vận hành theo pháp luật công bằng, minh bạch, trách nhiệm giải trình,” bà Nguyễn Thị Báo nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo, để có một hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng, trách nhiệm giải trình thì hệ thống pháp luật đó phải tạo cơ chế để thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình lập pháp, thực thi pháp luật, hay nói cách khác, hệ thống pháp luật đó phải thể hiện được hai chữ “dân chủ.”
Pháp luật là biểu hiện của sự “kỷ cương” nhưng nó chỉ hiệu lực, hiệu quả, thực sự là động lực cho phát triển, khi được xây dựng trên nền “dân chủ.”
Một khi nước ta có được một hệ thống pháp luật như vậy, mọi người sẽ sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật một cách tự giác và người dân sẽ cảm thấy các chủ thể được trao quyền lực nhà nước đang vận hành trách nhiệm, minh bạch và người dân cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong nhà nước pháp quyền. Qua đó, Đảng mới phát huy được sức mạnh của dân tộc, của mọi người dân để xây dựng, phát triển đất nước chúng ta vững mạnh và mang lại hạnh phúc cho nhân dân./.