Trăn trở của nông dân Kiên Giang khi giá lươn thương phẩm giảm mạnh
Giá lươn thịt bắt đầu giảm từ giữa năm 2022, giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023 đến nay và hiện tại giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đầu năm 2022 (90.000 đồng/kg).
Từ giữa năm 2022 đến nay, giá lươn thương phẩm liên tục sụt giảm và duy trì ở mức thấp làm giảm lợi nhuận, thậm chí có người nuôi còn bị thua lỗ.
Trong khi đó, chỉ khoảng vài năm trước, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể ximăng ở tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho nông dân nhờ giá bán lươn thịt khá cao, từ 150.000-180.000 đồng/kg.
Theo một số người chuyên nuôi lươn ở xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), giá lươn thịt bắt đầu giảm từ giữa năm 2022, giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2023 đến nay và hiện tại giá chỉ bằng một nửa so với thời điểm đầu năm 2022 (90.000 đồng/kg).
Trái ngược với giá lươn thương phẩm, giá thức ăn dành cho loài vật nuôi này lại liên tục tăng. Vì vậy, người nuôi rất khó có lời và đa số họ đều giảm quy mô, nuôi theo kiểu cầm chừng để tránh thua lỗ.
Ông Đặng Chí Tâm, ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn bằng bể xi măng ở huyện U Minh Thượng, năm 2016, sau khi tìm hiểu một số nông dân nuôi lươn ở thành phố Cần Thơ, ông Tâm đầu tư nuôi lươn thịt và lươn sinh sản cho đến nay.
Từ năm 2022 trở về trước, khi lươn thịt có giá cao, ông Tâm thường duy trì nuôi từ 10.000 đến 20.000 lươn con mỗi đợt và bán ra thị trường từ 200.000 con lươn giống mỗi năm.
Thế nhưng từ giữa năm 2022 đến nay, khi giá lươn thịt giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg, gia đình giảm số lượng thả nuôi từ 3.000-5.000 con mỗi đợt và lươn giống bán cho khách cũng giảm xuống còn khoảng 150.000 con/năm.
“Trước khi giá lươn thịt sụt giảm, tôi bán mỗi con lươn giống 5.000 đồng và sau đó giảm xuống bán với giá 3.000 đồng/con cho đến nay. Để nuôi được 1 kg lươn thương phẩm, người nuôi bỏ ra tiền con giống, thuốc thủy sản, thức ăn, tiền điện, nước khoảng 75.000-80.000 đồng.
Vì vậy, với giá lươn thịt 90.000 đồng trong 2 năm qua, người nuôi chỉ lời một ít, hoặc thậm chí lỗ vốn nếu như nuôi đạt tỷ lệ dưới 70%. Vì vậy, nông dân lo ngại và giảm số lượng, quy mô nuôi,” ông Tâm chia sẻ.
Ông Lý Thanh Thoại, ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết, sau khi thấy một số người quen nuôi lươn không bùn cho lợi nhuận cao và quy trình nuôi đơn giản, nhẹ công chăm sóc nên gia đình ông xây bể xi măng nuôi lươn từ năm 2021.
Đợt nuôi đầu ông Thoại thả nuôi với số lượng 8.000 con/2 bể nuôi. Sau khi thu hoạch đợt nuôi đầu bán lươn có giá cao (170.000 đồng/kg), ông Thoại xây thêm 2 bể để tăng số lượng thả nuôi lên 16.000 con.
Tuy nhiên, đến đợt thu hoạch các bể lươn này, giá lươn thịt giảm xuống còn 110.000 kg. Nhận thấy giá lươn giảm, trong khi giá thức ăn tăng, khó có lời nên từ đầu năm 2023 đến nay ông Thoại giảm số lượng thả nuôi còn 10.000-12.000 con mỗi đợt.
Giá thức ăn viên dành cho lươn có độ đạm cao mỗi bao 25kg trên thị trường hiện có giá 740.000 đồng, tăng gần hơn 150.000 đồng so với đầu năm 2023. Giá thức ăn tăng cao, trong khi giá lươn thịt rất thấp nên người nuôi khó có lời.
Hai năm trở lại đây giá lươn thịt chỉ từ 85.000-90.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm rớt giá còn 75.000 đồng/kg và với giá này người nuôi chỉ có thể hòa hoặc lỗ vốn.
"Tôi hy vọng sắp tới các ngành liên quan quy hoạch và định hướng người nuôi, thành lập tổ hợp tác, đồng thời mời gọi doanh nghiệp bao tiêu mức giá hợp lý, có thể 100.000 đồng/kg lươn thịt để người nuôi yên tâm thả nuôi,” ông Thoại đề xuất.
Cũng có chung nỗi trăn trở cho nghề nuôi lươn, ông Lê Văn Bảo, ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho biết, gia đình ông ít đất ruộng sản xuất nên chọn mô hình nuôi lươn không bùn để cải thiện thu nhập. Thế nhưng, 2 đợt lươn nuôi bán đầu năm 2023 và đầu năm 2024 đều hòa vốn.
“Tôi đã lớn tuổi nên ngoài làm lúa có thể nuôi lợn hoặc nuôi lươn để tăng thêm thu nhập mới ổn định cuộc sống. Xét thấy nghề nuôi lợn dễ xảy ra dịch bệnh và vốn bỏ ra khá cao, giá lợn thịt lại bấp bênh nên vợ chồng tôi xây bể nuôi lươn, vậy mà vẫn thất bại vì giá lươn thịt giảm thấp suốt hơn 2 năm qua," ông Lê Văn Bảo chia sẻ.
"Tôi mong Nhà nước có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lươn thương phẩm để nâng cao giá trị và triển khai biện pháp, kỹ thuật nuôi đạt tiêu chuẩn để nâng cao giá trị, giá bán ổn định để giúp nghề nuôi lươn phát triển ổn định hơn,” ông Bảo nói.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có khoảng 360 hộ nuôi lươn không bùn với gần 1.600 bể nuôi.
Một số huyện có nhiều nông dân áp dụng mô hình này gồm U Minh Thượng, An Minh, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, Châu Thành và chủ yếu nông dân lươn theo hình thức tự phát.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, những năm gần đây, nhiều người dân trong tỉnh lựa chọn mô hình nuôi lươn sạch, không bùn vì chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể tận dụng tối ưu diện tích sẵn có xung quanh nhà.
Cùng đó, kỹ thuật nuôi lươn không bùn khá đơn giản và dễ áp dụng nên mô hình nuôi này phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2018-2021, đây cũng là nghề chủ lực phát triển kinh tế của nhiều hộ dân trong tỉnh.
Từ năm 2021 trở về trước, thị trường tiêu thụ lươn thịt tốt, giá bán cao nên hầu hết các hộ nuôi đều có lợi nhuận khá cao (khoảng 80.000 đồng/kg lươn thương phẩm).
Tuy nhiên, thời gian gần đây nông dân ở nhiều tỉnh miền Tây phát triển mạnh mô hình nuôi lươn không bùn, trong khi thị trường xuất khẩu lươn thịt gặp khó, chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá lươn sụt giảm nhiều so với trước đây.
Ông Hiển cũng cho hay, để mô hình nuôi lươn không bùn phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, trong thời gian tới trung tâm đã chỉ đạo thống kê lại số lượng hộ nuôi và bể nuôi lươn không bùn để đánh giá tình hình phát triển đối tượng nuôi này.
Song song với đó, đơn vị tìm kiếm doanh nghiệp chuyên thu mua chế biến và xuất khẩu lươn thương phẩm để liên kết thu mua, bao tiêu mức giá hợp lý với tổ hợp tác, nông dân.
“Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi; vận động thành lập tổ hợp tác nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng mô hình mẫu để nông dân tham quan học hỏi và áp dụng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các hộ nuôi lươn phát triển số lượng ổn định, có chất lượng, không dùng kháng sinh để đảm bảo cho các doanh nghiệp xuất khẩu,” ông Hiển nhấn mạnh./.