Trần Tiến “ai ơi sống gửi thác về”: Tôi sẽ chết ở Hà Nội
Ngồi với khán giả Hà Nội nhân một buổi giao lưu âm nhạc, nhạc sỹ Trần Tiến đi hết từ cảm hứng quê hương, đời sáng tác... đến chuyện về các tên tuổi Hoàng Vân, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly.
Trong khuôn khổ Triển lãm “Hà Nội trong mắt ai” tại 49 Trần Hưng Đạo kéo dài đến hết tháng, nhạc sỹ Trần Tiến đã có một buổi giao lưu âm nhạc nhỏ với khoảng 50 khán giả vào ngày Chủ nhật (7/7).
Ông đến cùng giọng ca trẻ Trần An Nhiên - thí sinh nổi bật tại Giọng hát Việt 2018 và từng hát với ông trên nhiều sân khấu. Trước giờ hát, nhạc sỹ “đính chính”: “Hôm nay không phải show nhạc của tôi. Các bạn thích thì tôi hát nhưng tôi có tuổi rồi, hát không hay nữa. Tôi chỉ mong mang lại cho một chút niềm vui hoặc an ủi nào đó, các bạn hỏi gì tôi trả lời chứ tôi không biết nói gì, nghề chính của tôi duy nhất có viết nhạc.”
Dẫu vậy nhưng âm nhạc và những câu chuyện đời của Trần Tiến vẫn luôn làm vốn cho nhau, luôn hòa vào làm một và tự nhiên như hơi thở. Những ca khúc của ông vẫn như chiếc xe jeep bụi bặm chở khán giả phiêu bạt tới miền du ca khắp chốn, rồi lại về với Hà Nội.
“Nhắc đến quê lại khóc nhè”
Nhạc sỹ Trần Tiến sinh ra ở quê cha tại xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội), về sau gia đình ông sống trên phố Hàng Lọng (nay là Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm). Khi trưởng thành, nhạc sỹ vào Thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp, đi du ca khắp chốn và nay định cư cùng vợ tại thành phố Vũng Tàu.
“Tôi đi vì mệnh tôi là mệnh phiêu bạt, chứ ai cũng muốn trở về quê mình,” ông nói. Nhạc sỹ Trần Tiến nói sức khỏe mình giờ kém nhiều (ông mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4) nên muốn dưỡng bệnh ở gần biển. Với ông, còn có thể về quê là may mắn, bởi có những người phải sống xa nơi chôn rau cắt rốn, phải chật vật để có cuộc sống mới để rồi phải chết nơi đất khách quê người.
Trần An Nhiên đã hát nhiều hát nhiều ca khúc của Trần Tiến, trong đó thể hiện rất thành công bài “Mẹ tôi,” làm ông xúc động và dí dỏm nói: “Nhắc đến quê tôi hay khóc lắm. Lần nào về quê tôi cũng khóc nhè, cứ nhắc gì đến cha mẹ, đến Hà Nội lại xúc động. Các bạn thông cảm, tí nữa tôi có khóc nhè cũng mặc kệ nhé!”
Trần Tiến nói rằng trong tâm thức, ông luôn nghĩ mình sẽ nhắm mắt xuôi tay ở quê nhà, hay như cách ông nói là: “Dứt khoát tôi sẽ chết ở Hà Nội.” Ông hát tặng khán giả bài “Ngẫu hứng phố” như để “dẫn chứng.” Ca khúc có đoạn kết “Hà Nội đầu ô, một chiều đầy gió một người không nỡ quay về. Hà Nội lòng tôi, giấc mơ xa vời của người xa quê. Ai ơi sống gửi thác về.”
“Ngẫu hứng phố” được viết những năm đầu thập niên 2000, từ cảm xúc ngẫu hứng khi ông cùng bạn bè cầm vỏn vẹn 7.000 đồng đi ăn quà vặt, từ đó mới có câu hát “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có quý nhất tình người thôi.”
Lần gần nhất ông có show tại Hà Nội là năm 2023, tên “Nửa thế kỷ phiêu bạt.” Nhưng chuyện ông kể cho khán giả Hà Nội dường như không thể hết, vẫn đi hết từ miền này sang miền khác.
Tại buổi giao lưu ông gặp lại một hậu bối trong giới - nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai cố nhạc sỹ Hoàng Vân. Nhạc sỹ Hoàng Vân cũng là một người con của Hà Thành, từng công tác tại Nhạc viện trong thời gian Trần Tiến theo học.
Hồi ở Nhạc viện, Trần Tiến không được học trực tiếp từ tác giả “Hò kéo pháo.” Tuy thế khi biết Trần Tiến đang theo học ngành giao hưởng để viết nhạc giao hưởng, nhạc sỹ Hoàng Vân chỉ trách nhẹ nhàng: “Chưa làm lính thì mong làm quan Tiến ạ,” bởi giao hưởng rất khó và phức tạp.
Khi đó ông nhớ tới những câu hát mộc mạc, đơn sơ mà khi xưa cha hát ru mình ngủ. Ông cũng nhớ lại những rung động sâu sắc trong tâm thức với lời ca, câu hò quê hương. Về sau Trần Tiến vào Nam, gặp Trịnh Công Sơn, cố nhạc sỹ cũng từng khuyên ông rằng: “Tiến ơi, một bản giao hưởng tồi không thể hơn một câu hò hay.” Từ lời dặn của hai tiền bối, Trần Tiến trung thành với việc viết ca khúc đúng như thế mạnh của mình, sản sinh ra những bài hát đặc sắc, rất riêng, đậm đà âm hưởng dân gian.
Người nghệ sỹ không cần nói lời chia tay
Cả đời Trần Tiến sáng tác từ tinh thần tự do, bản chất yêu cái đẹp, yêu con người. Bài hát nào của ông cũng đi kèm những câu chuyện, đôi khi chỉ là mẩu chuyện lãng đãng nhưng đầy hơi thở cuộc sống trên tiếng guitar thùng mộc mạc.
Ngồi với khán giả Hà Nội cũng vậy, ông vừa kể chuyện vừa đệm đàn. Trần Tiến lại nhớ giữa năm 2022 khi hội ngộ Khánh Ly ở nhà hàng Lục Thủy bên Hồ Gươm. Khi đó nữ danh ca 80 tuổi, trở về Thủ đô (quê gốc) để làm show chia tay nghiệp hát.
Trần Tiến kém Khánh Ly 2 tuổi, đồng điệu qua âm nhạc và có chung một tình bạn đáng quý với Trịnh Công Sơn. Gặp nhau sau hai chục năm xa cách, hai chị em ôm nhau mà nước mắt trào ra, mừng mừng tủi tủi vì cùng nhớ đến một người. Khánh Ly rủ Trần Tiến cùng lên sân khấu hát cho đêm nhạc tới.
Vào đêm biểu diễn, ông nhìn tên show “Như một lời chia tay” rồi vừa hát vừa hát vừa nói: “Chị ơi làm gì mà phải chia tay? Anh Trịnh Công Sơn đi có kịp chia tay ai đâu, nhưng chị và anh Trịnh Công Sơn vẫn nằm trong lòng khán giả Việt. Mình như cao bồi, chỉ chết trên lưng ngựa. Người nghệ sỹ chỉ chết bên cây đàn, chết bên tiếng hát của mình.”
Cuối buổi hôm ấy, nhiều nhà báo phóng viên gặp ông sau cánh gà hỏi thêm về hai câu hát cuối, thì ông nói rằng đó là sáng tác mới dù thực chất chỉ là ngẫu hứng hát. Cũng từ đó mà ông vô tình “nợ” khán giả một bài phải trả và viết nên ca khúc “Cao bồi.”
Sự “kiêu ngạo” của người Hà Nội
Nhạc sỹ Trần Tiến cũng nhớ những ngày lên tàu hỏa vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, nhưng trong túi trong có một đồng. Ông được một nghệ sỹ trẻ cùng hành trình cho vay tiền, rồi chủ động hỏi han các bà các chị mẹo để mua đồ ở các ga rồi mang lên tàu bán lấy lãi. Cứ thể ông tích đủ tiền để sống 3 ngày 3 đêm trên tàu. Đến nơi, ông đi xích lô tới nhà Trịnh Công Sơn rồi còn phải nhờ em gái nhạc sỹ trả tiền giúp.
Ngại sống nhờ gia đình Trịnh Công Sơn, Trần Tiến lang bạt khắp nơi, có đêm ngủ ngoài công viên, cho đến khi gặp nhạc sỹ Dương Thụ và được mời đến hát ở một tụ điểm âm nhạc. Do quy định mỗi tuần phải có một bài mới, ông viết liên tục để giữ việc.
“Tôi giữ tính ‘kiêu ngạo’ của người Hà Nội về mặt học tập, tôi viết bài nào cũng rất tử tế. Ban đầu là 'Vết chân tròn trên cát,' 'Mặt trời bé con,' 'Giai điệu Tổ quốc'… dần dần con số lên đến hơn 100 bài, chỉ để sống. Nhờ có trời phù hộ, tôi qua được cuộc sống, tôi ngồi đây với các bạn bằng sự lao động hết sức của mình, để lại được chút tình tôi gửi tới các bạn”./.