Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 10 tháng đạt 180 nghìn tỷ đồng
Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%) và các nhà đầu tư cá nhân mua 5%.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong 10 tháng năm 2023, cả nước có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 180 nghìn tỷ đồng (giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, khối lượng mua lại trước hạn là 191 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022). Đáng chú ý, khối lượng đáo hạn trong 3 tháng cuối năm là 61,6 nghìn tỷ đồng.
[Quý 3: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhờ nhóm ngân hàng]
Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%) và các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Tại thị trường thứ cấp tính đến ngày 30/6, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết đã được đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB-Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các đơn thư này đang được Lãnh đạo Bộ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xử lý.
Đối với vấn đề này (từ năm 2019 đến nay), Bộ Tài chính cho hay đã có 6 văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát ngân hàng thương mại trong việc phân phối cũng như cam kết mua lại, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Mặt khác, Bộ Công an đã có kết luận điều tra đối với vụ án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đang điều tra đối với vụ việc của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bộ Tài chính cho biết đã có sự phối hợp chuyển các đơn thư của nhà đầu tư cho Bộ Công an./.