Trách nhiệm của người dùng trong việc lan tỏa văn hóa tích cực trên mạng xã hội
Việc xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp luật của nội dung truyền thông số ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng, giúp xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh.
Sáng 31/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.”
Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết sau gần ba thập kỷ kết nối mạng internet, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với hơn 78,4 triệu người sử dụng internet (tương đương 79,1% dân số).
Sự phát triển nhanh và ngày càng phổ biến của internet cũng như các công nghệ kết nối mạng, các loại thiết bị thông minh đã thúc đẩy các dịch vụ trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bùng nổ và thu hút hàng chục triệu người dùng, trong đó có truyền thông số trên mạng xã hội.
Có thể thấy, về mặt tích cực, truyền thông số trên mạng xã hội đã mang lại cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn; giúp mỗi cá nhân có những điều kiện thuận lợi trong học tập, làm việc, giao lưu, trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến.
Đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thiết thực.
Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn đó, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm triệt để khai thác tính ẩn danh, nặc danh, đặc điểm lan tỏa, phát tán thông tin nhanh, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian của truyền thông số trên mạng xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng, trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.
Cùng với đó, sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa độc hại từ nước ngoài thông qua truyền thông số trên mạng xã hội có thể đe dọa hoặc làm xói mòn đến các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thực tiễn trên cho thấy yêu cầu xây dựng, bảo đảm chặt chẽ các yếu tố văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam đang ngày càng đặt ra một cách cấp bách, bức thiết, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Công an nhân dân và báo chí, truyền thông.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng trong môi trường truyền thông số, mỗi cá nhân vừa là nguồn phát, vừa là đối tượng tiếp nhận của rất nhiều nội dung số được truyền đi mỗi ngày.
Người dùng có thể bình luận, chia sẻ, thảo luận về các chủ đề quan tâm, giúp kết nối cộng đồng và lan tỏa thông tin mạnh mẽ, thậm chí có thể tạo ra những hiệu ứng thông tin, những “làn sóng” dư luận và cổ vũ hành động trong một thời gian rất ngắn.
Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, thì sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa từ nước ngoài cũng tạo những tác động trái chiều, có thể làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động qua không gian mạng, nhất là mạng xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trong khi đó, hiện vẫn còn những lỗ hổng pháp lý, bảo mật và khó khăn nhiều mặt trong quản lý hàng tỷ nội dung số trên các mạng xã hội mỗi ngày ở Việt Nam, khiến cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi phản văn hóa, trái đạo đức, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội gặp nhiều thách thức.
“Việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng,” Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động truyền thông số trên mạng xã hội, phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu quản lý xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội; nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội thông qua việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, đạo đức, pháp luật trong sử dụng mạng xã hội cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên; nâng cao nhận thức về tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội; nâng cao trách nhiệm của người dùng trong việc lan tỏa văn hóa tích cực trên mạng xã hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh.
“Việc xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp luật của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân. Bằng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, chúng ta có thể xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, giải trí, giao lưu kết nối cộng đồng,” Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam; phân tích thực trạng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay; đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra; định hướng, đưa ra giải pháp và khuyến nghị xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả Hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghiên cứu vấn đề văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Cảnh sát nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trong cả nước; từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới./.