TP Hồ Chí Minh vận dụng các cơ chế đặc thù để tăng thu ngân sách
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 8 tháng năm 2023 ước thực hiện được 297.993 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ.
Dưới ảnh hưởng chung của sự suy giảm kinh tế, hoạt động thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2023 vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trong năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện các giải pháp thu đúng, thu đủ.
Đồng thời, tiếp tục có cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành địa phương để nuôi dưỡng nguồn thu cũng như vận dụng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH215 (Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) để tăng nguồn thu.
Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố trong 8 tháng năm 2023 ước thực hiện được 297.993 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Các khoản thu chính đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa giảm 2,6%, thu từ dầu thô giảm 20% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 13%.
Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 199.586 tỷ đồng, đạt 64,9% dự toán, chiếm 67% tổng thu cân đối và giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Trong khoản thu này, thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 20.085 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán, chiếm 6,7% tổng thu và giảm 6,5%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước thực hiện 60.154 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 20,2% tổng thu và tăng 8,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 48.903 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán, chiếm 16,4% tổng thu và tăng 2%.
Thu dầu thô ước thực hiện 16.083 tỷ đồng, dù vượt 0,5% dự toán, nhưng vẫn giảm tới 20% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 82.320 tỷ đồng, đạt 56,5% dự toán, chiếm 27,6% tổng thu cân đối và giảm 13%.
Trong năm 2023, Trung ương và Hội đồng Nhân dân thành phố giao cho Thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách gần 470.000 tỷ đồng.
Theo bà Phan Thị Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, dự toán thu ngân sách năm 2023 của thành phố tăng 20% so với năm 2022, tuy nhiên 8 tháng thu mới chỉ đạt 93,24% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh phải theo dõi sát tình hình thu chi, triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, chống trốn thuế, gian lận thương mại.
Sở Tài chính thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành, quận huyện tham mưu, xây dựng thực hiện chính sách để phát huy nhanh chóng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 của để tăng nguồn thu.
Đồng thời, rà soát tăng nguồn thu từ đất để tạo nguồn lực bố trí chi đầu tư trên địa bàn; yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để quyết toán đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để tạo động lực khơi thông kích cầu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
[TP Hồ Chí Minh: Nợ thuế chiếm hơn 9% số thu ngân sách được giao]
Song song đó, tiếp tục triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh tế đêm, kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử.
Đối với cơ quan thuế và hải quan sẽ tiếp tục rà soát phân loại nợ thuế, thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế…
Liên quan đến nguồn thu từ đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Sở đang phối hợp với Sở Tài chính và Hội đồng Thẩm định giá thành phố tập trung tháo gỡ, thẩm định các dự án còn vướng mắc. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, nguồn thu từ đất đai sẽ đạt gần 19.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng sẽ tập trung tăng cường cấp giấy chứng nhận để tăng nguồn thu. Thành phố có trên 81.000 căn hộ nhà ở thương mại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đã giải quyết 6.000 căn hộ.
Đối với nguồn thu từ thuế thu nhập và thuế trước bạ, ông Thắng cho biết cả hai nguồn thu này đều bị ảnh hưởng do thị trường bất động sản trầm lắng.
Dù nguồn thu giảm, song Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã chỉ đạo các bộ phận đảm bảo đúng thời hạn đối với các khoản thu này.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội thành phố trong 4 tháng cuối năm tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết dù đã có dự báo trước đó, song tình hình thu ngân sách đang rất khó khăn, cần có biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động, đảm bảo doanh số; đồng thời, ngành tài chính cũng phải rà soát lại, đảm bảo việc thu đúng, thu đủ.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề thu ngân sách không chỉ là nhiệm vụ của ngành tài chính mà cần có sự phối hợp của các địa phương, các sở, ngành liên quan như khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất… trong việc nuôi dưỡng nguồn thu cũng như không để thất thoát nguồn thu, nhất là trong hoạt động kinh doanh mới như thương mại điện tử.
Đối với nguồn thu từ đất, ông Phan Văn Mãi lưu ý phải đạt mục tiêu kép, vừa thu ngân sách nhưng vừa tháo gỡ các dự án để người dân có tài sản, có giấy chứng nhận để giao dịch; để doanh nghiệp đẩy dự án đi, có dòng tiền đổ vào…, qua đó, góp phần cải thiện nguồn thu trong thời gian tới./.