TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình giao thông công cộng dọc Metro và Vành đai 3

Thành phố Hồ Chí Minh  phân 2 nhóm vị trí khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng trên cơ sở đánh giá hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc pháp lý đất và động lực phát triển.

Hành khách đón xe buýt tại Trạm xe buýt trên đường Hàm Nghi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trong giai đoạn 2024-2028, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại 11 khu vực dọc các tuyến metro và Vành đai 3; trong đó 9 vị trí thực hiện ngay trong năm 2024-2025.

Kế hoạch vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường ký ban hành về thực hiện các khu vực TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3 theo Nghị quyết 98/2023/QH15.

Chín vị trí triển khai ngay

TOD là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố được phép thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách đầu tư công để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các khu vực gần nhà ga metro và nút giao Vành đai 3.

Giai đoạn 2024-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng cơ chế của Nghị quyết 98/2023/QH15 để triển khai thí điểm mô hình TOD tại 9 vị trí khu vực dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) và Vành đai 3, thuộc 5 địa phương: Tân Phú, Tân Bình, Quận 10, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn.

Kết nối tuyến Metro số 2: vị trí Ô phố I/82a tại quận Tân Phú (diện tích 26,65ha) với chức năng dự kiến đất hỗn hợp, khai thác thêm không gian ngầm.

Vị trí trung tâm triển lãm và trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình (5,1ha), đầu tư trung tâm thương mại-dịch vụ, văn hóa thể thao đa năng-nhà thi đấu, bãi xe ngầm kết nối metro.

Vị trí khu C30 (Quận 10 và Tân Bình, diện tích 40,9ha) đầu tư Khu trung tâm đô thị hỗn hợp phát triển nâng cao hệ số sử dụng đất.

Xe buýt số 152 đi qua công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tại thành phố Thủ Đức có vị trí khu vực quanh ga Phước Long của tuyến metro số 1 (diện tích 160,63ha) và khu đất nông trường dừa (153,6ha) kết nối Vành đai 3, với chức năng đất hỗn hợp và công trình công cộng; trong khi khu vực 29ha thuộc phường Long Bình (nhà máy Nhatico) kết nối Vành đai 3 với chức năng đất ở, đất hỗn hợp.

Tại Hóc Môn có 3 vị trí khu đất kết nối Vành đai 3 gồm: khu số 8 tại xã Tân Hiệp (198,42ha), khu số 6 xã Xuân Thới Thượng (389,31ha), khu 104,95ha tại xã Xuân Thới Sơn.

Các khu này thực hiện theo chức năng quy hoạch của Đồ án điều chỉnh quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo kế hoạch, trong quý 4/2024 và quý 1/2025 thành phố sẽ xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai, các chức năng phát triển đô thị của từng khu vực; tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch trong quý 1-3/2025; thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư quý 3-4/2025.

Với giai đoạn 2026-2028, trước mắt Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện đối với vị trí tại khu 1 xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) diện tích 290,2ha và khu vực xung quanh vị trí ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) rộng 314ha. Các vị trí khác sẽ được các địa phương tiếp tục báo cáo, đề xuất hoàn thiện.

Tiến độ thực hiện giai đoạn này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai, các chức năng phát triển đô thị trong quý 2-3/2025. Tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch trong quý 2-4/2025. Thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong hai quý đầu năm 2026.

Ba mô hình TOD

Để triển khai, thành phố nghiên cứu 3 mô hình và chức năng cơ bản cho khu vực TOD.

Cụ thể, mô hình tại vùng lõi nhà ga (phạm vi bán kính từ 400-500m): phát triển đô thị mật độ cao tối ưu, đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại - dịch vụ kết hợp ở. Đi bộ là hình thức đi lại chủ yếu trong khu vực này, giao thông đối ngoại chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Mô hình tại vùng chuyển tiếp nhà ga (bán kính 500-1.000m): phát triển đô thị mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội.

Giao thông nội khu chủ yếu đi bộ và xe đạp, kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ (xe đạp, xe điện...). Giao thông đối ngoại vẫn chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Người dân trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Mô hình phụ cận các nút giao Vành đai 3: phát triển đô thị tại vùng phụ cận các nút giao thông đối với các khu vực có kết nối giao thông thuận lợi với đường Vành đai 3 hoặc tuyến nhánh rẽ vành đai.

Mô hình này theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, khu chức năng đô thị, các khu công nghiệp, logistics...

Giao thông nội khu chủ yếu xe đạp, xe điện, trong khi giao thông đối ngoại chủ yếu kết nối đường nhánh và giao thông công cộng.

Thành phố cũng phân 2 nhóm vị trí khu vực TOD trên cơ sở đánh giá hiện trạng sử dụng đất, nguồn gốc pháp lý đất, điều kiện và động lực phát triển.

Nhóm đầu tư mới là đất trống, dân cư thưa thớt, hoặc có nhà máy, xí nghiệp dự kiến di dời, thuận lợi để thu hồi, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng mới.

Nhóm cải tạo, chỉnh trang khu vực hiện hữu là khu vực đã hình thành dân cư hiện hữu, có điều kiện đô thị xuống cấp, cần cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị.

Việc lựa chọn khu vực TOD được thành phố xác định dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên như: dễ triển khai (thuận lợi trong việc thu hồi, giải phóng mặt bằng); sớm thực hiện (ưu tiên các khu vực lân cận, có điều kiện kết nối thuận lợi với các dự án giao thông sẽ được hình thành trong thời gian ngắn hạn); hiệu quả cao (giá trị khi đấu giá đất, đấu thầu dự án đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách)./.