TP Hồ Chí Minh: Tri ân những đóng góp của các nhà giáo đi B và nhà giáo nội đô
Giai đoạn từ năm 1961-1973, có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông, đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), ngày 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng Hội Cựu giáo chức Thành phố tổ chức buổi họp mặt với hơn 100 nhà giáo đi B (từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước) và nhà giáo nội đô (các thầy cô hoạt động cách mạng âm thầm trong các đô thị miền Nam) đang sinh sống tại Thành phố.
Giai đoạn từ năm 1961-1973, có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông, đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Các thầy cô được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung-Tây Nguyên đến Đông-Tây Nam Bộ và đã trở thành những nhà giáo cầm súng. Các thầy cô, nhiều người còn rất trẻ, vừa dạy học, tham gia gây dựng nền giáo dục giải phóng trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp cầm súng chiến đấu.
Họ thường xuyên đối mặt với B52 rải thảm, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt của địch. Nhiều người anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường miền Nam, có thầy cô đã ngã xuống ngay trước thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử.
Nhà giáo nội đô là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, lực lượng góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch.
Những bài giảng của các nhà giáo nội đô khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc.
Ôn lại những trang sử hào hùng cũng như một thời xông pha chiến đấu anh dũng, các nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô chia sẻ, mục tiêu duy nhất của họ lúc bấy giờ là cùng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mục tiêu đó giúp họ có ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy rình rập trong suốt những năm tháng kháng chiến.
Trở về cuộc sống đời thường sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều thầy cô trở thành cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị, nhiều thầy cô tiếp tục hoạt động trong ngành Giáo dục và Đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dù ở cương vị nào, các thầy cô luôn mang trong mình đức hy sinh và nghị lực phi thường của thời kỳ kháng chiến gian khổ mà anh dũng. Câu chuyện và hồi ức của các thầy cô thực sự là những bài học sống động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, sự hy sinh cao cả, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp.
Tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, với tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông và sự cống hiến tận tụy cho sự nghiệp trồng người cao quý, các thầy cô thực sự là những tấm gương sáng về phẩm chất nhà giáo cách mạng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà.
Những bài học quý về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô là động lực cho các thế hệ sau vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, công tác. Thế hệ sau luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố cố gắng làm tất cả những gì có thể để tri ân người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu và để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số việc chưa giải quyết hết, phải tiếp tục lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thấu đáo thời gian tới./.