TP Hồ Chí Minh sắp xếp đơn vị hành chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Với quy mô dân số đông, những vấn đề phát sinh sau sắp xếp sẽ là bài toán đặt ra cho TP Hồ Chí Minh, nhằm đảm bảo sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Công viên văn hóa Lê Thị Riêng nằm ở khu vực trung tâm quận 10. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giai đoạn 2023-2030, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã.

Với quy mô dân số đông, những vấn đề phát sinh sau sắp xếp sẽ là bài toán đặt ra cho Thành phố, nhằm đảm bảo sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định, đồng thời bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ít xáo trộn nhất.

Thực hiện chung một lần

Tính đến hết năm 2022, quy mô dân số Thành phố Hồ Chí Minh là 12 triệu người. Thành phố hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 16 quận, 1 thành phố là Thủ Đức và 5 huyện; có 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 249 phường, 5 thị trấn và 58 xã.

Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giai đoạn 2023-2025, Thành phố có 126 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, trong đó 6 đơn vị đã sắp xếp giai đoạn 2019-2021. Giai đoạn 2026-2030, Thành phố có huyện Nhà Bè thuộc diện bắt buộc sắp xếp và 9 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp. Do huyện Nhà Bè đã có đề án xây dựng huyện thành đô thị nên không thực hiện sắp xếp.

Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ sắp xếp 80 phường thuộc địa bàn 10 quận, giảm 39 đơn vị sau sắp xếp. Thành phố đã xây dựng 38 phương án; trong đó có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường; 9 phương án điều chỉnh địa giới để thành lập phường mới.

Tuy nhiên, việc chia hai giai đoạn thực hiện tại Thành phố gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 2023-2025 phải sắp xếp số lượng lớn trong khi thời gian rất ngắn. Đây là giai đoạn Thành phố tập trung thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, cùng nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời đã và đang tiến hành sắp xếp lại khu phố, ấp mới theo quy định.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, triển khai giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở và tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Do đó, Thành phố kiến nghị Trung ương và Chính phủ tạo điều kiện, xem xét và chấp thuận cho địa phương tiến hành rà soát xây dựng phương án tổng thể cho cả hai giai đoạn và thực hiện sắp xếp chung một lần.

Phương án tổng thể được Thành phố xây dựng sẽ phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô đơn vị hành chính; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền cơ sở. Sau sắp xếp, các đơn vị hành chính có liên quan đều đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, giao dịch hành chính của công dân, ổn định tổ chức bộ máy.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu, nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương, đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này vào đầu tháng Tư này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận đây là việc khó khăn, nhạy cảm, tác động nhiều chiều và khá phức tạp, liên quan không chỉ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống chính trị và các đối tượng trực tiếp tác động, mà còn cả cộng đồng dân cư…

Bộ Nội vụ cơ bản thống nhất phương án sắp xếp của Thành phố và cho đây là phương án tối ưu nhất, gắn với đặc thù của địa phương, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị-xã hội. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp này là để cho dân thụ hưởng, đồng thời mở ra không gian phát triển, đảm bảo chiến lược phát triển trong tương lai.

Lường trước khó khăn

Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn, vượt nhiều so với quy định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, dù nhập 2 hoặc 3 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 đơn vị mới cũng không đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên theo quy định.

Từ thực tiễn giai đoạn 2019-2021, Thành phố đã lường trước các vấn đề phát sinh khi thực hiện phương án sắp xếp 80 phường sắp tới. Đơn vị hành chính mới có quy mô dân số và diện tích lớn hơn rất nhiều sẽ tạo áp lực lên hệ thống quản lý chính quyền địa phương. Việc giải quyết số cán bộ cấp xã dôi dư gặp nhiều khó khăn do đa số đã được chuẩn hóa theo quy định, trong khi số lượng dôi dư dự kiến lên tới khoảng 1.029 người.

Hồ sơ tiếp nhận ở đơn vị mới cũng sẽ tăng cao trong khi nhân sự giảm, cơ sở vật chất, trang thiết bị bước đầu chưa đồng bộ, có thể gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử như phường Võ Thị Sáu của quận 3 được hình thành 3 năm trước. Sau khi sáp nhập các Phường 6, 7, 8, người dân đến giải quyết hồ sơ hành chính và chế độ chính sách tăng cao, trong khi trụ sở làm việc nhỏ (là trụ sở Phường 6 cũ) nên chưa tương xứng.

Theo ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Võ Thị Sáu, để việc sắp xếp được hiệu quả, ít xáo trộn nhất, cần tính toán phương án trụ sở làm việc bảo đảm cho đơn vị mới hoạt động cũng như phương án xử lý những trụ sở cũ. Trước khi tiến hành sáp nhập, cần phương án sắp xếp nhân sự hợp lý để có đội ngũ hoàn chỉnh cho đơn vị hành chính mới, nhân sự dôi dư cũng được xử lý ổn thỏa, bảo đảm tâm tư của cán bộ, công chức.

Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng ta có thể làm điều tra tình hình cán bộ để giải quyết vấn đề dôi dư khi sáp nhập. Ví dụ như Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã, nhưng có đam mê chuyên môn sâu, có thể sắp xếp vị trí để phát huy năng lực đó. Đây là cơ hội để nắm bắt chuyên môn mạnh của từng người, qua đó bố trí cho phù hợp, gắn với mức thu nhập thỏa đáng."

Các phương tiện lưu thông trên cầu Công Lý, giáp ranh quận Phú Nhuận và quận 3. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thực tế cho thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn, giúp khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo chuyên gia Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố phải chú trọng vấn đề nhân sự, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ; do đó cần cơ chế đặc biệt và sử dụng người tài, tinh gọn bộ máy phải gắn với chọn lựa người tài, người phù hợp.

Trước đây, để tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021 hoạt động thuận lợi, Thành phố đã đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cho cấp Thành phố và các đơn vị cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, đã được Quốc hội thông qua, với Nghị quyết 98/2023/QH15.

Hơn 3 năm trước, phường An Khánh (thành phố Thủ Đức) được hình thành sau khi nhập hai phường Bình Khánh và Bình An (của Quận 2 cũ). Sau khi sáp nhập, đơn vị phải tổ chức, kiện toàn bộ máy để đi vào hoạt động nền nếp, số lượng hồ sơ hành chính cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý hồ sơ trực tuyến, việc giải quyết thủ tục hành chính đã nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường An Khánh, thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15, thành phố Thủ Đức đã phân cấp, ủy quyền cho cấp phường hơn 10 nội dung ở nhiều lĩnh vực, giúp thủ tục giải quyết khá thuận lợi. Do vậy, khi thực hiện sáp nhập, có thể đẩy mạnh hơn phân cấp, ủy quyền cho các phường, tương tự như cách thành phố Thủ Đức đã làm.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy quy mô dân số và diện tích tự nhiên các đơn vị hành chính sau sắp xếp sẽ lớn hơn, khối lượng công việc nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức không tăng. Thành phố cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học về cơ chế, để vừa thực hiện đúng chủ trương nhưng phải phù hợp với thực tế địa phương, hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả nhưng không gây xáo trộn lớn và tạo động lực cho phát triển.

Tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ Thành phố đang khởi động xây dựng Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố hiệu lực, hiệu quả; đây là thay đổi rất lớn để có thể thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Cùng với Nghị quyết 98/2023/QH15 là một phần trong đổi mới về mặt thể chế, Đề án xây dựng nền công vụ Thành phố hiệu lực, hiệu quả sẽ là khâu đột phá trong vấn đề này./.