TP Hồ Chí Minh: Rộng cửa cho lao động có tay nghề chuyên môn cao

Đến ngày 15/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 2.000 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng; gần 3.000 lao động Việt có trình độ cao vào các vị trí tuyển lao động người nước ngoài.

Thanh niên, sinh viên học sinh tìm kiếm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng việc làm năm 2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đồng thời quyết định đến thu nhập, đời sống người lao động.

Đây là những yếu tố người lao động cần bổ sung nhiều hơn trước xu thế mới, nhất là khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc, sắp xếp lại lao động, đặc biệt là Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ đã mở thêm cánh cửa cho người lao động có tay nghề chuyên môn cao.

Cơ hội làm việc với mức lương hàng trăm triệu đồng

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng Ba này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn REMOLY Việt Nam (thành phố Thủ Đức) tuyển dụng Giám đốc với mức lương 30 triệu đồng/tháng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Kim Long (quận 6), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng Hợp AAA (thành phố Thủ Đức) tuyển dụng nhân viên kinh doanh với mức lương 20 triệu đồng/tháng.

Trên website của Trung tâm https://vieclamhcm.com.vn cũng ghi nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn J&T Express Việt Nam (thành phố Thủ Đức) tuyển dụng nhân viên Logistics với mức lương 35 triệu đồng/tháng; Công ty Cổ Phần Dược liệu Trung ương 2 (quận 1) tuyển dụng Tổng Giám đốc với mức lương 70 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ecolab Việt Nam (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) tuyển dụng phiên dịch tiếng Nhật lương bình quân 150 triệu đồng/tháng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn The Boston Consulting Group (quận 1) tuyển dụng vị trí Trưởng phòng Tư vấn quản lý chung với mức lương “khủng” 323 triệu đồng/tháng…

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, việc tuyển dụng lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài thực hiện theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, tại điểm c, Khoản 1, Điều 4 (Nghị định 70/2023/NĐ-CP) về sử dụng người lao động nước ngoài quy định, kể từ ngày 1/1/2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc Cục Việc làm hoặc Cổng Thông tin Điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ hoặc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Đông đảo thanh niên, sinh viên học sinh tìm kiếm việc làm tại Ngày hội tuyển dụng việc làm năm 2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều này.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục cho rằng Nghị định này sẽ mở ra nhiều cơ hội, vị trí việc làm cho người lao động chất lượng cao có chuyên môn về quản lý, điều hành, khoa học kỹ thuật có cơ hội tiếp cận với các vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn cùng các chính sách ưu đãi, môi trường làm việc năng động tại các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Theo thống kê, đến ngày 15/3 vừa qua, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 2.000 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng; gần 3.000 lao động Việt Nam có trình độ chất lượng cao (theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP) vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động người nước ngoài. Trong đó, gần 1.000 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng đến hết ngày 26/3 với mức lương bình quân 50 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, qua theo dõi có gần 100 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển, nhưng chưa có người trúng tuyển vào các vị trí tuyển dụng

“Nguyên nhân một phần là do người lao động Việt Nam có trình độ chất lượng cao chưa biết nhiều về thông tin này; một phần do yêu cầu của nhà tuyển dụng khá cao, khắt khe cùng nhiều yếu tố khác dẫn đến người lao động Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm đang tuyển dụng…,” bà Nguyễn Văn Hạnh Thục chia sẻ.

Cơ hội vững vàng cho lao động có tay nghề

Theo Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, những lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo.

Lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được trang bị tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và khả năng cạnh tranh được cải thiện, có thể đối phó với những thách thức kinh tế và có nhiều khả năng duy trì việc làm hơn so với những người không được đào tạo.

Đông đảo người lao động tìm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng kỹ năng nghề sẽ là "đơn vị tiền tệ quốc tế mới" trong thị trường lao động tương lai, bởi vì nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ chia sẻ.

Thạc sỹ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhìn nhận 68% công việc hiện nay đòi hỏi kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 1/5 công việc cần các kỹ năng số chuyên sâu. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến, làm thay đổi hình thức việc làm và trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa.

“Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thế giới việc làm, thị trường lao động và buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế Thành phố,” Thạc sỹ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Về giải pháp để người lao động Việt Nam có cơ hội tiếp cận những vị trí việc làm này, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đề xuất sẽ cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thông tin về các vị trí, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, website https://vieclamhcm.com.vn (mục thông tin tuyển dụng lao động theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP) để người lao động tìm việc biết và đăng ký tham gia ứng tuyển hoặc liên hệ trực tiếp tại Trung tâm, các điểm giải quyết bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm để được tư vấn trước khi dự tuyển, phỏng vấn…

“Đặc biệt, với các vị trí việc làm chuyên môn cao, người lao động ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí do nhà tuyển dụng đưa ra, cần chủ động trang bị tốt kiến thức chuyên môn, kỹ năng, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, nắm vững những kỹ năng quản lý, điều hành trong công việc, giao tiếp, soạn thảo văn bản, nhất là kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ phù hợp để tạo lợi thế cho bản thân trước khi tham gia ứng tuyển. Người lao động cần tìm hiểu về hoạt động của lĩnh vực ứng tuyển; có tác phong công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, quốc gia của doanh nghiệp mình tham gia ứng tuyển…,” bà Nguyễn Văn Hạnh Thục chia sẻ.

Để giải quyết bài toán cung - cầu lao động đảm bảo chất lượng việc làm, thích ứng với những thay đổi công nghệ sản xuất, phù hợp với định hướng, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích người lao động học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề. Thành phố đẩy mạnh hoạt động đào tạo theo 4 ngành công nghiệp trọng yếu (chế biến lương thực, hóa chất, cơ khí, điện tử và dịch vụ) và 9 ngành dịch vụ chủ yếu (thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn-khoa học công nghệ; giáo dục-đào tạo; y tế).

Theo bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, gần đây Thành phố đã tăng cường các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là các đối tượng yếu thế, người bị mất việc hay làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Sở hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh…

Nhu cầu lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng. Lao động có kỹ năng thêm cơ hội tìm được việc làm ổn định và thu nhập cao hơn so với người chưa được đào tạo nghề. Việc tăng cường, thích ứng linh hoạt trong định hướng đào tạo, chọn nghề phù hợp ngày càng được các cấp, ngành, phụ huynh và học sinh quan tâm hơn để không chỉ bắt kịp xu hướng thị trường lao động mà còn cung cấp nguồn lao động có trình độ, chất lượng cao, tiệm cận với khu vực và thế giới…/.