TP Hồ Chí Minh: Ra mắt Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững

Chương trình ra đời nhằm cung cấp cho các bạn trẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở người lao động trẻ để thúc đẩy việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered ký kết hợp tác hỗ trợ Dear Our Community thực hiện Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Ngày 2/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ra mắt “Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững.”

Sự kiện do Dear Our Community phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đồng tổ chức.

Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết của Việt Nam trong việc đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu lớn này, đòi hỏi sự cam kết và đầu tư mạnh mẽ; trong đó giới trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

[Anh sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với TP.HCM về phát triển xanh]

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2025, gen Z (tạm tính là những người sinh sau năm 1996) dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giới trẻ Việt ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề xã hội, mong muốn làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức có những hoạt động đóng góp cho sự phát triển xã hội và môi trường.

Do đó, nguồn nhân lực và khách hàng thế hệ Z đang trở thành nhân tố lớn để thúc đẩy các công ty và tổ chức thực hiện các thay đổi hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nhiều bạn trẻ vẫn chưa có được sự hiểu biết đầy đủ về xu hướng, kiến thức về phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam cũng như vai trò của mình trong bức tranh chung này.

Đây cũng là lý do Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững ra đời. Chương trình do Dear Our Community - một doanh nghiệp chuyên cung cấp kiến thức và kỹ năng công việc tạo tác động xã hội tại Việt Nam khởi xướng.

Theo bà Võ Ngọc Tuyền, Người sáng lập, Giám đốc Điều hành Dear Our Community, con người là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ có đủ năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại doanh nghiệp.

Vì vậy, Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững ra đời nhằm cung cấp cho các bạn trẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở người lao động trẻ để thúc đẩy việc chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững.

Đáng chú ý, Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Anh, BritCham và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự Vương Quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giáo dục và phát triển bền vững là các chủ đề ưu tiên được nhấn mạnh nhân kỷ niệm đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

“Tôi tin rằng chương trình sẽ mang lại lợi ích rất lớn, giúp thanh niên học cách tích hợp hiệu quả tính bền vững vào những thực hành kinh doanh, củng cố kỹ năng; đồng thời tiếp cận cơ hội tìm được việc làm trong lĩnh vực này và nâng cao tính linh hoạt của các bạn trẻ,” bà Emily Hamblin nói.

Tham dự tại buổi lễ nhân chuyến thăm Việt Nam, ông Graham Stuart, Quốc vụ khanh Phụ trách An ninh Năng lượng và Trung hòa Carbon, Vương Quốc Anh, cũng chia sẻ việc khuyến khích các bạn trẻ tích hợp những thực hành có trách nhiệm vào những gì họ làm trong tương lai sẽ đảm bảo việc theo đuổi lợi nhuận đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ hành tinh xanh. Đây là một bước tiến nữa trên hành trình hướng đến mục tiêu trung hòa carbon của đất nước.

Ông Graham Stuart, Quốc vụ khanh phụ trách An ninh Năng lượng và Trung hòa Carbon, Vương quốc Anh, phát biểu. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Tại sự kiện cũng đã diễn ra lễ công bố quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Dear Our Community.

Cụ thể, Standard Chartered sẽ tham gia tài trợ cho “Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững” để hỗ trợ lực lượng lao động trẻ có kiến thức thực tế về ESG và phát triển bền vững, góp phần đóng góp cho tương lai xanh tại Việt Nam.

Theo ông Harmander Mahal, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, Khối Dịch vụ Khách hàng ưu tiên, Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam và nhóm 4 nước châu Á của Ngân hàng Standard Chartered, Sáng kiến Ươm mầm Phát triển Bền vững là một chương trình ý nghĩa nhằm thúc đẩy tư duy và hành động bền vững, rất phù hợp với một thị trường mới nổi như Việt Nam, nhất là khi Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Sáng kiến này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược kinh doanh của Standard Chartered đã và đang thực hiện.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng bền vững nhất thế giới, Standard Chartered cam kết hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và tạo ra tác động tích cực lên xã hội và môi trường ở các thị trường.

“Thanh niên là lực lượng xã hội chủ chốt thúc đẩy sự thay đổi và phát triển vì một tương lai bền vững hơn. Họ có đam mê, sáng tạo và tiềm năng để tạo ra sự khác biệt trong việc giải quyết các thách thức phức tạp mà thế giới đang đối mặt. Đó là lý do tại sao Standard Chartered cung cấp hỗ trợ tài chính và chuyên môn cho “Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững” dành cho giới trẻ tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ truyền cảm hứng và trao quyền cho những nhà lãnh đạo tương lai tham gia vào quá trình phát triển bền vững,” ông Harmander Mahal cho biết.

Trước đó, tại Việt Nam, Standard Chartered cũng đã hỗ trợ nhiều sáng kiến góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh, như tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, quảng bá các sản phẩm tài chính xanh, nâng cao ý thức về biến đổi khí hậu và bền vững đến khách hàng, cán bộ nhân viên và cộng đồng.

Hiện may, ngân hàng này cũng đang hỗ trợ và thực hiện các dự án giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phòng chống biến đổi khí hậu; trong đó, có việc triển khai Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam và thành lập, vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện tại Việt Nam./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)