TP Hồ Chí Minh gấp rút sắp xếp 80 phường gắn với quản lý hiệu quả tài sản công
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc sắp xếp bộ máy và bàn giao cơ sở vật chất tại 41 phường mới sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn.
Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút thực hiện sắp xếp 80 phường thành 41 phường để chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2025 theo Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố giai đoạn 2023-2025.
Cùng với gấp rút sắp xếp bộ máy, Thành phố sẽ quản lý, khai thác tài sản dôi dư một cách hiệu quả.
Thực hiện có lộ trình
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã (80 phường) trên địa bàn 10 quận để hình thành 41 phường, giảm 39 phường. Đây là thách thức cho Thành phố khi triển khai sắp xếp số lượng lớn các phường chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc sắp xếp bộ máy và bàn giao cơ sở vật chất tại 41 phường mới sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ ngày 1-31/12, các quận tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội của các phường trực thuộc theo tên của đơn vị hành chính mới.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2025, khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động đến ngày Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, các địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
Thành phố cũng kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan đến đời sống, an sinh xã hội cho cá nhân, tổ chức.
Khi triển khai sắp xếp các phường sẽ tác động đến tâm lý, quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do phải nghỉ việc hoặc điều chuyển. Điều này càng khó hơn khi đa số nhân sự đã được chuẩn hóa theo quy định, cùng với áp lực công việc rất lớn tại một đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân sự của 80 phường thuộc 10 quận thực hiện sắp xếp được giao trước đây là 1.605 người (462 cán bộ, 1.143 công chức). Sau sắp xếp còn 41 phường, số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 737 người, người hoạt động không chuyên trách dôi dư hơn 250 người.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết sau sắp xếp các phường sẽ dôi dư khoảng 1.000 nhân sự, Thành phố không tiến hành sắp xếp một lần mà thực hiện theo lộ trình hằng năm, từ nay đến năm 2029.
Tinh thần của Thành phố là ưu tiên bố trí sử dụng tại địa phương, trường hợp cán bộ đủ điều kiện nhưng địa phương đã đủ chỉ tiêu thì giới thiệu, đề cử lên cơ quan cấp trên.
Cùng với sắp xếp công việc, Thành phố vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ thêm đối với trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế, nghỉ do dôi dư sắp xếp đơn vị hành chính...
Ngoài chế độ chung, cán bộ, công chức cấp xã được trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác; từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực, được trợ cấp thêm 3 tháng phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đảm bảo hiệu quả sau sắp xếp
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhằm kịp thực hiện lộ trình hoàn thành sắp xếp và đi vào hoạt động các đơn vị từ ngày 1/1/2025.
Công tác thống kê, rà soát, tổ chức bộ máy, hồ sơ, tài liệu cũng như cơ sở vật chất, tài sản, các dự án đầu tư... được chú trọng. Những vấn đề phát sinh sẽ được chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả triển khai sắp xếp.
Với đô thị loại đặc biệt như Thành phố, việc xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp để không lãng phí cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, 80 phường có 327 trụ sở, sau sắp xếp sẽ tiếp tục duy trì 249 trụ sở cho 41 phường, còn lại 78 trụ sở dôi dư.
Trong phương án gửi Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết sẽ điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác 75 trụ sở và đề xuất bán đấu giá 3 trụ sở, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, bảo đảm trong vòng 3 năm tới.
Các đơn vị sự nghiệp giáo dục sẽ giữ nguyên trạng để đảm bảo chất lượng giáo dục, trong khi sáp nhập các trạm y tế tương ứng với phương án sắp xếp.
Tại buổi triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 cuối tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp phải quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trụ sở hành chính công một cách hiệu quả, không bỏ hoang, không để trống gây lãng phí.
Một trong những vấn đề người dân quan tâm là việc điều chỉnh giấy tờ. Ông Nguyễn Ngọc Hải (ngụ Phường 10, Quận 3) cho biết sắp tới Phường 9 và Phường 10 sáp nhập nên phải thay đổi các thông tin. Người dân chấp hành và ủng hộ chủ trương của Nhà nước để tinh gọn bộ máy, chỉ mong chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thay đổi giấy tờ khi cần.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận 3, địa phương không bắt buộc người dân phải đổi giấy tờ đồng loạt nhằm hạn chế xáo trộn đời sống. Người dân chỉ thay đổi khi có nhu cầu, bởi các giấy tờ theo tên phường cũ vẫn có đầy đủ giá trị pháp lý.
Điểm thuận lợi là cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã cập nhật tương đối đầy đủ thông tin, giúp hỗ trợ nhanh nhất việc xác nhận hoặc thay đổi những giấy tờ cho người dân.
Giai đoạn 2019-2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện sắp xếp 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức và sáp nhập 19 phường, còn 9 phường. Đây được xem là bài học kinh nghiệm để Thành phố triển khai sắp xếp giai đoạn 2023-2025 hiệu quả.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn người dân điều chỉnh các giấy tờ khi có nhu cầu, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, kinh doanh...
Sau khi sắp xếp, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn. Cùng với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Thành phố đang xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy các ban Đảng và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố. Thành phố hướng tới việc bộ máy sau sắp xếp sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ giúp Thành phố mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế-xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.
Thành phố cũng có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm đảm bảo phát triển theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù./.