TP Hồ Chí Minh di dời công trình hạ tầng gây cản trở người đi bộ
Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị có phương án di dời công trình nhằm đảm bảo lối đi cho người đi bộ, khai thác hiệu quả hè phố để tổ chức hoạt động ngoài mục đích giao thông.
Việc bố trí nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trên hè phố tại Thành phố Hồ Chí Minh còn bất cập, gây khó khăn cho người đi bộ, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các đơn vị có phương án di dời công trình nhằm đảm bảo lối đi thông suốt cho người đi bộ, đồng thời khai thác hiệu quả hè phố để tổ chức hoạt động ngoài mục đích giao thông.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình phối hợp các đơn vị rà soát, ban hành danh mục sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông, Sở ghi nhận tình trạng bố trí các công trình bên trên hè phố còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng đến người đi bộ; trong đó, nhiều khu vực không còn không gian để đi bộ, lối đi bộ không liên tục, thông suốt do gặp chướng ngại bởi cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật... dẫn đến việc triển khai các thủ tục nhằm khai thác không gian hè phố theo các quy định gặp khó khăn.
Do vậy, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các Tổng công ty, sở ngành, đơn vị chủ quản các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình thiết yếu đang lắp đặt dưới lòng đường, trên hè phố (điện lực, viễn thông, chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh, trụ quảng cáo, tuyên truyền cổ động chính trị...) chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận huyện rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án tái bố trí, di dời công trình đến vị trí phù hợp.
Điều này để đảm bảo lối đi thông suốt cho người đi bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đồng thời khai thác hiệu quả hè phố để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Ngành Giao thông cũng đề nghị các địa phương chủ động rà soát, phối hợp các đơn vị chủ quản di dời, tái bố trí công trình, đảm bảo bề rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m liên tục, thông suốt dành cho người đi bộ.
Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị chủ đầu tư công trình thi công trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ rà soát quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để phối hợp thực hiện các giải pháp, phương án xử lý phù hợp; hoàn trả nguyên trạng hệ thống biển báo, vạch sơn… trên hè phố sau khi thi công hoàn thành.
Từ đầu năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố. Một số trường hợp được sử dụng tạm thời hè phố với mức đóng phí từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo khu vực.
Quận 1 là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm kinh doanh, dịch vụ, mua bán hàng hóa từ ngày 9/5 vừa qua, trên 11 tuyến đường gồm Hoàng Sa, Mạc Đĩnh Chi, Hải Triều, Chu Mạnh Trinh, Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hàm Nghi, Cô Bắc, Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Đạo./.