TP Hồ Chí Minh đang xây dựng quy trình "trị" quấy rối tình dục nơi làm việc
Hội thảo tham vấn xây dựng quy trình phối hợp, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở TP Hồ Chí Minh, do Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố và UN Women ở Việt Nam, tổ chức ngày 24/5.
Ngày 24/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng quy trình phối hợp, xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là dịp để các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và đại diện người lao động trao đổi, thảo luận tìm giải pháp xây dựng quy trình chuẩn để phòng chống và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Khái quát về vấn đề quấy rối tình dục, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, có độ bao phủ rộng cả về phạm vi không gian lẫn quan điểm và nhận thức.
Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay chỉ mới đề cập đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về “hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục” và “Nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc.” Chưa có “quy trình can thiệp hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục” và chưa có “quy định về thẩm quyền xử lý, cách xác định, bằng chứng để chứng minh nạn nhân bị quấy rối tình dục” để can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Tăng Minh nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo “Quy trình phối hợp, xử lý các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc” áp dụng tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố là cần thiết nhằm góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và thân thiện với mọi người, thực hiện được quyền bình đẳng của cả phụ nữ và nam giới.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia quốc tế về giới và pháp luật, hiện nay nhận thức và hiểu biết về quấy rối tình dục tại nơi làm việc của người sử dụng lao động, người quản lý, công đoàn và người lao động còn hạn chế.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Diệu Hồng đề xuất quy trình chuẩn xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải là bộ phận không thể tách rời của chính sách phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, bà Bùi thị Kim Oanh, đại diện một doanh nghiệp Logistics Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và cho rằng việc xây dựng một quy trình chuẩn xử lý là cần thiết. Tuy nhiên, quy trình cũng cần định nghĩa rõ ràng hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc là gì, cách xác định và thu thập bằng chứng hành vi quấy rối… để từ đó làm căn cứ cho việc xử lý.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhìn nhận mặc dù, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý về "hành vì sàm sỡ, quấy rối tình dục," "nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc" nhưng thực tế có nhiều trường hợp nạn nhân không thể cung cấp hoặc không thu thập được chứng cứ về việc bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc nên không thể yêu cầu trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi.
Nhiều đại biểu cũng khuyến nghị nếu xảy ra hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc mà doanh nghiệp giải quyết không ổn thỏa, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo gửi cho cơ quan Công an địa phương, trường hợp vụ việc có tính chất nghiêm trọng sẽ báo lên cho cơ quan cấp cao hơn để xử lý..../.