TP Hồ Chí Minh: Bé gái 21 tháng tuổi hồi sinh nhờ gan của người hiến tạng

Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công, đem lại hy vọng sống cho một bé gái 21 tháng tuổi.

Chiều 18/4, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh thông tin đơn vị thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên từ người cho chết não cho một bé gái 21 tháng tuổi.

Thành công này đã mở ra hy vọng có thêm nhiều trẻ em mắc bệnh lý gan mật được ghép gan từ nguồn tạng hiến.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Trưởng Khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết chiều 6/4, đơn vị nhận tin báo từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người về một nam bệnh nhân 50 tuổi chẩn đoán xuất huyết não do vỡ mạch máu dị dạng đã được đánh giá chết não tại Bệnh viện Quân y 175 Thành phố Hồ Chí Minh muốn hiến tạng theo ý nguyện. Trong đó, một phần gan trái dự kiến sẽ được điều phối về Bệnh viện Nhi đồng 2.

Ngay sau đó, Hội đồng chuyên môn Ghép gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành hội chẩn và tìm được người nhận gan phù hợp. Bệnh nhi được ghép gan là bé gái N.T.N, 21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông; được chẩn đoán mắc bệnh lý xơ gan, PFIC (ứ mật trong gan tiến triển) và suy giáp.

Sau khi người hiến tạng được đánh giá chết não lần 3, lúc 5 giờ ngày 7/4 vừa qua (đúng ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương), êkíp lấy gan của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 175 cùng phối hợp với chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hội chẩn và tiến hành lấy gan. Ngay khi toàn bộ lá gan được tách đôi và lấy ra khỏi ổ bụng người hiến, phần gan trái nặng 240g đã được bàn giao cho Bệnh viện Nhi đồng 2.

Cùng thời điểm, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi được đưa lên bàn mổ, đến 20 giờ cùng ngày, mảnh gan trái đã được vận chuyển về đến bệnh viện để ghép cho bệnh nhi. Ca ghép kết thúc vào 2 giờ ngày 8/4 vừa qua, bệnh nhi được chuyển Khoa Hồi sức theo dõi và cai máy thở sau 7 giờ. Đến nay, bệnh nhi đã ổn định sức khỏe, chức năng gan cải thiện và tiếp tục được theo dõi.

Tiến sỹ-bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ghép gan là phương pháp điều trị triệt để duy nhất cho bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính giai đoạn cuối. Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện ghép gan thành công cho 50 trẻ em; trong đó 49 trường hợp từ người cho sống.

Thành công của ca ghép gan từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mở ra cơ hội cho các trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối. Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã được chuyển giao kỹ thuật chia gan từ người hiến chết não của Viện Sain Luc, Vương quốc Bỉ, và các Trung tâm ghép tạng khác trong nước.

Hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác chưa cho phép trẻ em hiến tạng. Do đó từ trước đến nay, trẻ em mắc bệnh gan mật thường chỉ được ghép tạng thông qua nguồn tạng duy nhất đó là do người thân còn sống trong gia đình hiến tặng. Vì thế, với việc tách đôi lá gan từ người hiến tạng là người lớn chết não để chia một phần gan nhỏ ghép cho trẻ được xem là cơ hội cho bệnh nhi tiếp cận thêm một nguồn tạng hiến ý nghĩa./.