TP.HCM: Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn bán trú
Mới đây, 6 trường học tại thành phố Thủ Đức đã tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú sau khi phát hiện trong bếp của đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường có thực phẩm hư hỏng, không nhãn mác.
Đáp ứng nhu cầu ăn bán trú, các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện thực hiện nhiều hình thức cung cấp bữa ăn cho học sinh tại trường.
Hai hình thức phổ biến là tổ chức bếp ăn tại trường và hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp với đơn vị bên ngoài. Dù ở hình thức nào, việc bảo đảm an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được nhà trường, phụ huynh quan tâm.
Đa dạng hình thức tổ chức
Nhận được thư mời của nhà trường, trong tuần cuối tháng 10/2023, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã cùng tham dự Tuần lễ Open House. Phụ huynh có thể đến trường cùng học với con, tham quan các phòng chức năng; đặc biệt là được mời tham quan bếp ăn tại trường, quan sát quy trình chuẩn bị các suất cơm cho học sinh và ăn cùng con.
Theo bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuần lễ này đã nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Cùng với việc tham gia tiết học, nhiều phụ huynh đã trải nghiệm bữa ăn bán trú cùng con.
Số học sinh ăn bán trú tại trường đông nên việc tổ chức được bếp ăn ngay trong trường tạo thuận lợi cho lãnh đạo, giáo viên kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh.
Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp cho khoảng 1.200 học sinh.
Theo lãnh đạo nhà trường, công tác giám sát suất ăn bán trú được đơn vị chú trọng với sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Thông qua việc kiểm tra thường xuyên hoặc dùng bữa cùng học sinh, lãnh đạo nhà trường nắm bắt và giám sát được chất lượng mỗi bữa ăn của các em. Nhà trường đã khảo sát ý kiến học sinh về các bữa ăn để trao đổi với đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh kịp thời.
Trường Trung học Cơ sở Đặng Tấn Tài (thành phố Thủ Đức) hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp nhưng nấu tại trường. Giáo viên, nhân viên nhà trường dùng các suất ăn như học sinh.
Theo ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng nhà trường, điều này giúp việc giám sát suất ăn của học sinh thuận tiện hơn; món ăn cung cấp được đảm bảo còn nóng. Việc lựa chọn đơn vị nấu ăn được nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh xem xét kỹ lưỡng. Trường đã tổ chức kiểm tra đột xuất việc tổ chức bếp ăn hằng tuần.
Công tác an toàn thực phẩm trong trường học luôn được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, liên tục trong thời gian gần đây, các vấn đề về bữa ăn bán trú trong trường học khiến phụ huynh bất an, lo lắng, nhất là với suất ăn công nghiệp được cung cấp từ bên ngoài vào trường học.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại thành phố Thủ Đức cho biết mỗi năm, nhà trường cùng phụ huynh đều tổ chức một số buổi kiểm tra định kỳ và đột xuất tại bếp của đơn vị cung cấp suất ăn.
Tuy nhiên, theo đúng nguyên tắc, đoàn kiểm tra của nhà trường và phụ huynh không được kiểm tra đầy đủ các mặt hoạt động của bếp, trong đó có kho thực phẩm. Vấn đề này chỉ có lực lượng chức năng về an toàn thực phẩm mới có quyền kiểm tra.
Việc kiểm tra của lãnh đạo nhà trường và phụ huynh chủ yếu dừng ở việc tham quan, kiểm tra trên giấy tờ; còn kiểm tra thực tế là thuộc về đơn vị chức năng.
Công tác kiểm tra thường được thực hiện từ 1-2 lần mỗi năm nên khó kiểm soát được toàn diện về các vấn đề liên quan đến suất ăn học sinh.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Sau phản ánh của phụ huynh về tình trạng suất ăn kém chất lượng cũng như việc nhiều trường trên địa bàn phải tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú do phát sinh vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn, các địa phương, trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học.
Mới đây, 6 trường học tại thành phố Thủ Đức đã tạm dừng tổ chức bữa ăn bán trú sau khi phát hiện trong bếp của đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường có thực phẩm hư hỏng, không nhãn mác. Đến nay, 6 trường đã tìm được đơn vị cung cấp suất ăn mới và tổ chức lại bữa ăn bán trú cho học sinh.
Sau sự việc này, thành phố Thủ Đức đã tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căngtin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn trong tháng 11/2023.
Sau thời gian này, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện theo các kế hoạch kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã được ban hành và bổ sung phù hợp với từng thời điểm.
Cùng với kiểm tra đột xuất, công tác giám sát bữa ăn bán trú thường xuyên được chú trọng. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã tạo đường link "Ăn trưa bán trú" để hiệu trưởng các trường gửi hình ảnh bữa ăn ở đơn vị mình về Phòng.
Thời gian tới, lãnh đạo Phòng sẽ tăng cường việc kiểm tra đột xuất; tham gia bữa ăn cùng với học sinh tại trường để nắm được tình hình cụ thể.
Vấn đề kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học luôn được các ngành chức năng tăng cường ngay từ đầu năm học. Từ ngày 15/9 đến 31/10/2023, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, căngtin, dịch vụ ăn uống trong trường học trên địa bàn.
Các đợt kiểm tra tập trung vào các nội dung chính như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm nước sử dụng trong chế biến; hợp đồng mua bán, hóa đơn chứng từ mua vào, giấy tờ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…; các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở, vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ và con người.
[TP.HCM: Học sinh và hiệu trưởng đau bụng sau bữa ăn bán trú tại trường]
Hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh; đồng thời, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm kết hợp truyền thông nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trước đó, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn về các quy định, kiến thức an toàn thực phẩm trong trường học. Qua đó, nhân viên phụ trách bếp ăn của nhà trường được hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn, các kiến thức về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm…
“Trường học là đối tượng ưu tiên trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Chúng tôi khuyến khích các trường, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn," bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề nghị, lãnh đạo các trường thường xuyên kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học.
Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học 2022-2023, đơn vị đã kiểm tra 2.231 cơ sở; trong đó có 1.363 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 122 bếp ăn tập thể hợp đồng, hai căng tin tự tổ chức, 474 căng tin hợp đồng, 270 đơn vị cung cấp suất ăn sẵn của các trường học trên địa bàn thành phố. Lực lượng chức năng phát hiện hai cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm./.