TP.HCM: Chuyển đổi số-Đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Chuyển đổi số ở TP.HCM đã và đang được ứng dụng trong triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học...
Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, đào tạo; là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới thông minh, hiệu quả, xóa bỏ rào cản về không gian, thời gian cho hoạt động dạy và học.
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu là lãnh đạo các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị liên quan tại hội thảo “Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh,” do Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố tổ chức, vào chiều 24/5.
Dẫn chứng về vấn đề này, bà Hồ Nguyễn Cúc Phương, Trưởng Phòng Đào tạo trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời điểm dịch COVDI-19 bùng phát, Trường đã dùng phần mềm Zoom, Google meeting để dạy và học trực tuyến. Để tổ chức thi cử, Trường phải nghiên cứu ứng dụng trắc nghiệm của Google classroom; sau đó, tổng hợp tất cả để đưa ra quy trình tổ chức dạy trực tuyến, thi trực tuyến, dựa trên các chức năng của Google để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch.
[Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục]
“Có thể thấy, dịch bệnh qua đi để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức để nhà trường vượt qua và từng bước chuyển đổi trong tư duy làm việc; thay đổi phương pháp, quy trình, cách thức làm việc để phù hợp trước bối cảnh mới. Đặc biệt, mỗi người đã dần nhận ra được chuyển đổi số là gì, sự cần thiết của việc chuyển đổi số và giải pháp chuyển đổi số tại vị trí của mình để công việc được thực hiện một cách khoa học, nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện hơn, góp phần tăng năng suất làm việc, đồng thời hình thành tư duy làm việc một cách khoa học và logic,” bà Phương khẳng định.
Về định hướng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác giảng dạy và phát triển chương trình đào tạo trong tương lai, bà Hồ Nguyễn Cúc Phương cho rằng AI có tư duy thống kê, phân tích diện rộng, lập kế hoạch và quản lý thực thi tốt hơn con người, nên cần tính toán những môn học nào cần chú trọng đưa vào, những môn học nào sinh viên có thể tự nghiên cứu để đạt các mục tiêu nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh tế…
Chia sẻ về thực trạng chuyển đổi số của trường, ông Lâm Văn Thi, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, nhấn mạnh đến việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số; xác định đối tượng khách hàng; ứng dụng công nghệ; phương pháp vận hành; xây dựng dữ liệu… Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông khuyến nghị nên thành lập bộ máy quản trị về chuyển đổi số và xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch chuyển đổi số chung cho toàn trường; rà soát, bổ sung quy trình, quy định và cơ chế chính sách cần thiết để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số toàn diện.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá toàn bộ hạ tầng và cơ sở vật chất; nâng cấp, bổ sung các hệ thống, công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số; đồng thời tổ chức các chương trình, hoạt động xây dựng và lan tỏa văn hóa số trong trường học; xây dựng và quản trị dữ liệu đồng bộ với công cụ, công nghệ và thống nhất với chiến lược dữ liệu của trường.
Chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được ứng dụng trong triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Qua đó, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đặng Minh Sự, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và sẽ không khó nếu như có sự đồng lòng, chung tay từ các cấp, các ngành, cán bộ quản lý Nhà nước và cán bộ quản lý các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
“Kế hoạch của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số với giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng ra là linh hoạt trong đào tạo, linh hoạt trong chương trình, xây dựng học liệu…,” ông Đặng Minh Sự nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc chuyển đổi số hiện nay là nhiều trường chưa xây dựng được học liệu; chương trình đào tạo chưa công khai… trong khi nhu cầu thực tiễn rất cao. Ông Đặng Minh Sự đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường sau mỗi năm học cần tổng kết lại việc thực hiện chuyển đổi số đã làm được gì, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để từ đó đề xuất các cấp, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ cụ thể, chính xác, hiệu quả trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại Hội thảo, đại diện các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, lộ trình về chuyển đổi số cho từng ngành, nghề; sử dụng phần mềm nào để quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý học sinh, sinh viên, nhất là dữ liệu dùng chung (bao gồm dữ liệu phục vụ cho giảng dạy và dữ liệu phục vụ cho quản lý Nhà nước về nghề).
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn toàn thông tin và ứng cứu sự cố trong chuyển đổi số; hệ sinh thái chuyển đổi số và lớp học thông minh Google; giải pháp tuyển sinh dùng công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số ngành Y tế; giải pháp thương mại điện tử tư vấn…./.